Kiểm soát chi phí KCB BHYT: Kinh nghiệm từ một số nước khu vực Đông Nam Á
20/09/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 35 được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa từ 18-20/9/2018, các tổ chức thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng CNTT và những thành tựu của CMCN 4.0 nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT.
Đại diện PhilHealth (Philippines) chia sẻ tại Hội nghị.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, Philippine cho biết thành công trong lĩnh vực BHYT của quốc gia này là việc chuyển đổi dữ liệu riêng lẻ, thủ công thành dữ liệu số được quản lý thống nhất. Tại Philippine, Chính phủ đặt mục tiêu phổ cập chăm sóc y tế trên toàn quốc, với chiến lược thu hút nguồn vốn phù hợp, thúc đẩy sử dụng số liệu một cách hiệu quả và tham vọng đến năm 2020 đạt được mục tiêu tối ưu hoá số liệu. Chương trình chuyển đổi dữ liệu số của Tập đoàn BHYT Philippine (PhilHealth) là một trong những đơn vị đi tiên phong trong chuyển đổi dữ liệu số.
Theo đại diện PhilHealth, mục tiêu và bản chất của dự án là nhằm chuyển đổi các dữ liệu riêng lẻ thành nguồn dữ liệu thống nhất (SSOT). Dữ liệu tin cậy được quản lý và tích hợp để cung cấp thông tin chi tiết và phù hợp cho tất cả các nhà ra quyết định của PhilHealth. “Để thực hiện nhiệm vụ này, quy trình truyền thống và thói quen cũ được xác định cần phải thay đổi. Theo đó, thay thế việc sử dụng những dữ liệu đơn lẻ và chồng chéo trở thành quá trình phân tích tổng hợp và hiệu quả, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên sử dụng thông tin và bộ xử lý dữ liệu. Tích hợp và chuẩn hóa việc trích xuất dữ liệu và báo cáo thành giải pháp chung. Thay thế các công cụ báo cáo không tương thích bằng công cụ chuẩn, để cho phép người ra quyết định tập trung hiệu quả vào thông tin hữu ích”- đại diện PhilHealth nhấn mạnh.
Sự thành công của PhilHealth được đánh giá là nhờ các thông tin đáng tin cậy và kịp thời; cung cấp các dịch vụ và lợi ích hướng tới người dân trong quá trình cải thiện hiệu quả hoạt động, kiểm soát gian lận và các hoạt động quan trọng khác.
PhilHealth đã từng bước tối ưu hoá việc tích hợp, xử lý số liệu; tạo ra một quy trình quản lý và quản trị dữ liệu do các nhà lãnh đạo cấp cao chỉ đạo việc tạo ra các giải pháp mới, cùng với ngân sách, nhân lực và chính sách phù hợp. PhilHealth cũng chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế (DOH) để hỗ trợ chương trình bảo hiểm và sức khỏe quốc gia; tạo ra sự kết nối giữa các cơ quan.
Việc chuyển đổi dữ liệu là chìa khóa cho sự sống còn và thành công của PhilHealth. Bên cạnh đó, việc xử lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả cũng được đánh giá là yêu cầu quan trọng để bảo vệ rủi ro tài chính cho các thành viên và tất cả người dân Philippine, khi BHYT toàn dân được ban hành thành luật.
Ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) chia sẻ tại Hội nghị.
Đại diện cho đoàn Việt Nam, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cũng chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý BHYT. Theo đó, hệ thống giám định BHYT điện tử của BHXH Việt Nam đã đi vào hoạt động được 2 năm nay và phát huy hiệu quả rất tốt. Hiện, Việt Nam có dân số 93 triệu người; tỉ lệ người có BHYT chiếm trên 86,9% dân số; số cơ sở y tế trên cả nước khoảng 14.000 đơn vị; có 22 ngàn hạng mục thuốc và 18 ngàn DVKT...
Theo ông Đức, trước đây, BHXH Việt Nam giám định BHYT thủ công bằng hồ sơ giấy. Sau đó, đã xây dựng dữ liệu chuẩn, triển khai thực nghiệm và từ năm 2015 xây dựng mã danh mục các DVYT; xây dựng dữ liệu đầu ra chuẩn và xây dựng hệ thống thông tin BHYT. Từ năm 2016, BHXH Việt Nam thiết lập cơ sở hạ tầng để kết nối các cơ sở y tế; vận hành hệ thống thông tin BHYT vào các hoạt động giám định. Từ năm 2017, đã ứng dụng bệnh án điện tử trong thanh toán BHYT, sử dụng phần mềm theo dõi KCB BHYT. Trước đây, do làm thủ công, nên chỉ có thể kiểm tra khoảng 10% hồ sơ, nhưng khi có phần mềm có thể kiểm tra tự động 100% các hồ sơ yêu cầu thanh toán. Ứng dụng phần mềm cũng giúp bác sĩ có thể kiểm tra quá trình KCB của bệnh nhân; chia sẻ thông tin, theo dõi xu hướng bệnh tật, cấp thuốc... Nhìn chung, hệ thống kiểm soát rất tốt việc sử dụng chi phí BHYT trong toàn hệ thống...
Về phía Camphuchia, ông Heng Sophannarith- Phó Vụ trưởng về BHYT (Bộ Lao động và Đào tạo nghề Camphuchia) cho biết, hệ thống Bảo trợ xã hội của quốc gia này cũng áp dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý và mở rộng diện bao phủ BHYT.
Camphuchia hiện có dân số trên 15 triệu người. Hệ thống Bảo trợ xã hội của nước này có sự phê duyệt của Chính phủ; chia làm 2 nhóm là BHXH và phúc lợi xã hội. Hiện Camphuchia có 1,4 triệu lao động đang tham gia BHXH. Người tham gia được KCB, phòng bệnh, trợ cấp ốm đau và nghỉ thai sản, được thanh toán một số chi phí khác...
Quỹ ASXH quốc gia Camphuchia (NSSF) chịu sự giám sát của 2 Bộ và có Ban điều hành 3 bên. Hiện, Camphuchia mở rộng triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe, song cũng gặp một số khó khăn đến từ phía chủ SDLĐ cũng như từ NLĐ. Một bộ phận người dân không hiểu rõ về quyền lợi chăm sóc sức khỏe; không mang thẻ BHYT theo khi đi khám bệnh do nghĩ rằng bác sĩ không cung cấp dịch vụ tốt trừ khi chi trả trực tiếp. Mặt khác, một số bác sĩ không hiểu rõ các thủ tục để cung cấp dịch vụ cho người tham gia (các bệnh nhân từ nơi này sang nơi khác)…
Thay mặt cho đoàn Thái Lan, bà Siripan Muangsin- thuộc Văn phòng Đảm bảo Y tế quốc gia Thái Lan (NHSO) cho hay, Thái Lan đã ứng dụng rất thành công CNTT vào các chương trình ASXH, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ Thái Lan đã ban hành Luật ASXH quốc gia vào năm 2002. Theo luật này, NHSO được thành lập, nhằm quản lý việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho toàn bộ người dân cũng như quản lý Quỹ BHYT quốc gia. NHSO có nhiệm vụ quản lý dữ liệu về những người được hưởng chế độ, các cơ sở chăm sóc y tế và những mạng lưới của cơ sở chăm sóc y tế; kiểm soát và giám sát các cơ sở chăm sóc y tế và mạng lưới y tế; thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin liên quan đến việc thực hiện các DVYT…
Với mục tiêu để không ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi đã cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể tham gia BHYT và thụ hưởng. NHOS thiết kế các chương trình mới, với hệ thống thông tin y tế lấy người bệnh làm trung tâm. Đặc biệt là việc sử dụng hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu qua điện thoại di động để chia sẻ thông tin. Hồ sơ của người bệnh có thể được kiểm tra trên điện thoại di động, để người dân có thể nắm bắt. Số liệu được tổng hợp từ nhiều nhà cung cấp khác nhau và được thống nhất về một đầu mối nên rất thuận tiện.
Hiện nay, NHSO cũng như nhiều cơ quan khác của Thái Lan sử dụng CSDL dựa trên sự kết nối với hệ thống chung giữa các cơ quan của Chính phủ. Do đó, dữ liệu được tập trung, thống nhất và dễ dàng nắm bắt các dữ liệu về người dân. Khi có thông tin thống nhất, có số liệu chung, sẽ đánh giá được chuẩn xác tình hình, kiểm soát BHYT rất tốt. Bên cạnh đó, NHSO cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo mật, an ninh mạng cũng như bảo mật thông tin quyền cá nhân của người tham gia BHYT.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...