Nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên
03/09/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cùng với việc hình thành chính sách BHYT ở nước ta, chính sách BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) sớm được triển khai nhằm huy động nguồn tài chính chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho HSSV ngay tại nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện con người của Đảng và Nhà nước ta. Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới 2018-2019, Tiến sỹ Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế đã dành cho phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam một số trao đổi về nội dung này.
Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm.
PV: BHYT HSSV có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc chăm lo sức khỏe các thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, chính sách này đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Ông có thể cho biết về điều này ?
Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm:
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển BHYT HSSV: Cần mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số nhóm tham gia các loại hình BHXH, BHYT, trong đó có HSSV. Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 29/3/2013) cũng yêu cầu tăng tỉ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV thông qua một loạt các giải pháp. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015) quy định nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cụ thể cho cả ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp... Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 -2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV. Theo đó giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 01/01/2015 với những quy định mới của Luật đã đem lại hiệu quả tốt hơn trong công tác YTTH, chăm sóc sức khỏe HSSV cũng như nhiều đối tượng tham gia BHYT khác. Với quy định mới, việc tham gia BHYT là yêu cầu bắt buộc - đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân.
Một số kết quả ban đầu cho thấy tác động của Luật đối với công tác YTTH là cơ sở để khẳng định xu thế phát triển, đó là: Hệ thống YTTH ở nhiều địa phương đã được kiện toàn và phát triển với cách thức, quy trình phối hợp hoạt động chặt chẽ, năng lực cán bộ YTTH được nâng cao, điều kiện học tập và vệ sinh được cải thiện đáng kể. Đã thực hiện được quản lý sức khỏe học sinh bằng hồ sơ sức khỏe. Kiến thức phòng chống bệnh tật của học sinh được nâng cao. Nhiều địa phương đã nâng cao năng lực CSSK ban đầu cho HSSV thông qua các cơ sở y tế trên địa bàn như trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện.
Không chỉ có chất lượng hoạt động YTTH, chăm sóc sức khỏe ban đầu được nâng cao mà quyền lợi BHYT đối với HSSV cũng như các đối tượng khác được mở rộng về phạm vi thể hiện trên các phương diện như: sự thuận lợi trong tiếp cận cơ sở y tế; người nghèo, bao gồm cả HSSV thuộc hộ nghèo không phải cùng chi trả chi phí KCB, người thuộc hộ cận nghèo chỉ phải cùng chi trả 5% chi phí; các dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh thường xuyên được bổ sung theo sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng như sự thay đổi về mô hình bệnh tật.
Về công tác quản lý, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam và các đơn vị có liên quan đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, thực hiện quản lý thẻ BHYT điện tử. Hoàn thành được mục tiêu này sẽ mang lại lợi ích đặc biệt rõ rệt trong việc khám, chữa bệnh BHYT của HSSV, vì đây là đối tượng có số lượng lớn chưa được cấp giấy tờ tùy thân có ảnh.
Thực hiện BHYT đối với HSSV không chỉ là quyền lợi về sức khỏe đối với các em, mà còn là một cách thức giáo dục các em về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái.
Ảnh minh họa.
PV: Thưa Vụ trưởng Vụ BHYT, để hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT là trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình, trong đó có vai trò quan trọng của Ngành y tế. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm:
Học sinh, sinh viên luôn là một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu trong xây dựng chính sách và phát triển BHYT. Trong suốt hơn hai mươi năm qua kể từ khi BHYT được thực hiện tại Việt Nam, BHYT đối với HSSV đã góp rất hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, đảm bảo để các em phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Trong chiến lược phát triển con người, đáp ứng với việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một yêu cầu rất quan trọng là yêu cầu về sức khỏe đối với mỗi cá nhân và đối với cả cộng đồng. Vì thế, mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT là mục tiêu ưu tiên, cấp bách và cần thiết. Khác với một số nhóm đối tượng khác, HSSV gắn bó chặt chẽ với môi trường giáo dục, đào tạo nên việc chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng tốt cho các em được thực hiện ngay từ chính các nhà trường thông qua đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực và quan trọng là cơ chế tài chính phù hợp với công tác này. Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cơ chế BHYT đã từng bước đảm bảo hơn cho bằng việc dành một tỷ lệ trích lại nhất định từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển YTTH. Số kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho YTTH tăng dần qua các năm học. Đến nay, Quỹ BHYT là nguồn tài chính chủ yếu với tỷ trọng trên 80% kinh phí của hoạt động YTTH hiện nay.
Với mạng lưới YTTH được củng cố và hoàn thiện, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 12/7/2006 về tăng cường công tác y tế trong các trường học và xác định phát triển BHYT HSSV là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn tài chính phát triển YTTH thì công tác BHYT HSSV và YTTH đã có sự tăng trưởng khá nhanh. Sự phát triển này là điều kiện cần thiết để gia tăng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT qua các năm, năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013, khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85%, đến năm học 2014-2015, tỉ lệ này là 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015- 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%. Năm học 2016 - 2017, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em. Đến năm học 2017 - 2018, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em.
Với nguồn kinh phí từ quỹ BHYT, hệ thống YTTH được củng cố và phát triển do được bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu, xử trí chấn thương, tai nạn, tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh học đường. Nguồn kinh phí này đã phát huy được hiệu quả rất rõ ràng của hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, vừa giảm tỷ lệ mắc bệnh, vừa xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, và đặc biệt là có điều kiện để nâng cao sức khỏe HSSV.
PV: Xin ông cho biết về một số quy định cơ bản trong công tác BHYT HSSV hiện nay?Theo ông, công tác BHYT HSSV còn gặp những khó khăn gì?
HSSV tham gia BHYT ngay tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.
Mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại. Do vậy, số tiền HSSV đóng BHYT hiện tại là: 70% * 4,5% * 1.390.000 = 43.785 đồng/ tháng.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT của HSSV là: 30%*4,5%* 1.390.000 = 18.765 đồng/tháng.
Hiện nay, hình thức thu BHYT HSSV rất đang dạng, linh hoạt. Các em có thể đóng định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng tại luôn các cơ sở giáo dục, nhà trường đang theo học.
Thủ tục tham gia BHYT cũng rất đơn giản. HSSV chỉ cần kê khai Tờ khai được cơ quan BHXH cung cấp thông qua cơ sở giáo dục hoặc nhà trường đang theo học. Trường hợp HSSV đã có mã số BHXH thì chỉ cần cung cấp mã số BHXH, không phải lập Tờ khai. HSSV nhận thẻ BHYT sau 05 ngày kể từ ngày cơ sở giáo dục hoặc nhà trường lập danh sách cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH.
HSSV được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. HSSV thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không có cơ sở KCB tuyến xã, huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc KCB ban đầu thì được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, trung ương sau khi có văn bản của Giám đốc BHXH và Giám đốc Sở Y tế tỉnh. HSSV thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương khi các cơ sở KCB này đáp ứng được nhu cầu đăng ký KCB ban đầu sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh và Giám đốc Sở Y tế.
HSSV khi đi KCB cần xuất trình đầy đủ các giấy tờ ngay khi đến KCB gồm có: Thẻ BHYT còn hạn sử dụng và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Thẻ Đoàn viên, Giấy phép lái xe… Riêng học sinh chưa có giấy tờ tùy thân thì sử dụng Thẻ học sinh hoặc giấy xác nhận của công an xã/phường nơi cư trú.
Luật quy định về các đối tượng bắt buộc phải mua BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên. Việc cha mẹ mua BHYT cho con là thể hiện ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Phụ huynh luôn quan tâm đến con cái, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe và việc học tập. Việc mua BHYT cho con thể hiện trách nhiệm, cũng như sự quan tâm này. Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT HSSV vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Đến hết năm 2017, vẫn còn khoảng 6% HSSV chưa tham gia BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT của sinh viên thấp hơn so với khối học sinh.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự làm công tác YTTH có nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại các nhà trường; chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện rất nhiều, quyền lợi BHYT được đảm bảo theo luật định, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhưng đôi khi vẫn chưa đáp ứng với sự hài lòng của người có thẻ BHYT.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định BHYT là loại hình bắt buộc nhưng thiếu chế tài xử lý vi phạm, do đó hiệu quả còn hạn chế.
PV: Xin Vụ trưởng cho biết định hướng, chỉ đạo của Ngành Y tế về công tác này trong thời gian tới?
Sức khỏe của trẻ em, HSSV là yếu tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nên việc đầu tư hợp lý cho công tác YTTH là yêu cầu cấp thiết. Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại trường học phải đảm bảo tiếp cận toàn diện, có đủ cơ sở vật chất, môi trường xã hội lành mạnh, đủ điều kiện về nhân lực và vật lực, truyền thông giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Vì vậy, việc tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống YTTH và chất lượng hoạt động YTTH cần được quan tâm và đầu tư đúng mức từ kinh phí nhà nước, từ Quỹ BHYT và từ sự tham gia của cộng đồng xã hội.
Để triển khai tốt công tác YTTH, cần đánh giá cụ thể thực trạng hệ thống YTTH, rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn hoạt động YTTH.
Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định về công tác YTTH giúp YTTH ngày càng phát huy vai trò của mình. Cơ sở vật chất của YTTH ngày càng được cải thiện, đảm bảo các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; đảm bảo các điều kiện về cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; đảm bảo các điều kiện về phòng y tế, nhân viên YTTH; tổ chức các hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh,…
Ngành Y tế và Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo các nhà trường cùng với cơ quan quản lý nhà nước về y tế ở cơ sở củng cố việc quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với HSSV thông qua mô hình phù hợp để đảm bảo hiệu quả, trong điều kiện nhiều cơ sở chưa tổ chức được bộ phận YTTH theo các điều kiện chuẩn đã được quy định. Ví dụ như việc tổ chức hệ thống YTTH theo cụm trường, hoặc sự tham gia phối hợp của y tế tuyến cơ sở với các nhà trường. Trong công tác chuyên môn, cần bám sát nhu cầu giáo dục thay đổi hành vi sức khỏe, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản, phòng chống tai nạn thương tích. Mỗi nhà trường phải có kế hoạch cụ thể hàng năm, xác định cơ chế phối hợp để thực hiện.
Duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ y tế ở mỗi trường hoặc cụm trường và có kế hoạch đào tạo chuyên môn cho đội ngũ này cũng như đảm bảo chế độ thu hút, động viên cán bộ y tế công tác tại các nhà trường.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...