Chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên: Phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học đường
06/09/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Quyết định 1167 ngày 28.6.2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh - sinh viên (HSSV). Theo đó, giao Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% số HSSV tham gia BHYT.
Học sinh, sinh viên tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe ngay tại học đường.
Như vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan đến BHYT HSSV đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương thực hiện BHYT HSSV là bước đi quan trọng trong hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân ở nước ta.
HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trong các năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, GDĐT, Y tế. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012 - 2013, khoảng 80%, năm học 2013 - 2014 là 85%; năm học 2014 - 2015, tỉ lệ này là 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT; năm học 2015 - 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em; năm học 2016 - 2017, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em; năm học 2017 - 2018, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em. Năm học 2018 - 2019, kỳ vọng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT sẽ tiến sát mốc 100%.
Theo BHXH VN, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT HSSV cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định như Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn; một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT; tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.
Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng vẫn còn gần 7% số HSSV chưa tham gia. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Tỉ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên. Chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.
Tính nhân văn của BHYT HSSV
Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với số thu BHYT HSSV tăng đều qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.
Ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) - cho biết, về công tác chi trả của quỹ BHYT cho đối tượng HSSV trong niên học 2017 - 2018, quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 237 trường hợp HSSV với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên. Đặc biệt trong đó, có một học sinh ở quận Lê Chân, TP. Hải Phòng tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí KCB. Học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị, trong đó có thuốc Kedrigamma - nhập khẩu từ nước ngoài. Nhờ tham gia BHYT, nên qua quá trình điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, học sinh này đã được chi trả với tổng số tiền như trên, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma được quỹ BHYT thanh toán khoảng 720 triệu đồng.
Theo ông Đàm Hiếu Trung, trường hợp trên chưa phải là mức chi trả KCB cao nhất của quỹ BHYT, nhưng là mức chi trả cao nhất đối với đối tượng HSSV trong thời gian qua. “Đơn cử, chỉ tính toán với mức chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí KCB BHYT cho học sinh trên sẽ tương đương với mức đóng BHYT của hơn 3.400 HSSV (khoẻ mạnh không phải dùng đến chi phí KCB từ quỹ BHYT). Qua đây cho thấy, tính chia sẻ, hỗ trợ bù trừ của quỹ BHYT giữa những người tham gia BHYT với những người có thẻ khi không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là khi phải điều trị các bệnh trọng, dài ngày. Do đó, người dân cần tích cực tham gia BHYT và tham gia BHYT cho con em mình để được chia sẻ về tài chính, khi không may gặp rủi ro về vấn đề sức khoẻ” - ông Đàm Hiếu Trung khuyến nghị.
Với tấm thẻ BHYT, các em HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Đây chính là tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHYT đối với đối tượng HSSV.
Theo Báo LĐ
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...