Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại Kiên Giang

30/08/2018 05:00 PM


Ngày 30/8, Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý (HĐQL) BHXH Việt Nam do ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên HĐQL BHXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Đoàn đã có cuộc làm việc trực tiếp với UBND tỉnh, BHXH tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Giồng Riềng.

 

Tham gia Đoàn Giám sát có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu và đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Về phía địa phương, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình và đại diện một số sở, ban ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng phát biểu tại buổi giám sát.

Nợ BHXH lên tới 115 tỷ đồng

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Giám đốc BHXH tỉnh Trương Hữu Cường cho biết: Tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 88.455 người tham gia BHXH (bằng 9,18% trên tổng số lao động); 1.376.513 người tham gia BHYT (tỉ lệ bao phủ 77,47% dân số). Trong 6 tháng đầu năm, tổng số thu BHXH, BHYT được 1.170 tỷ đồng (đạt 47,11% kế hoạch năm). Đáng chú ý, số nợ BHXH trên địa bàn lên tới 115 tỷ đồng (chiếm 4,64% so với số phải thu).

Nhìn chung, từ năm 2015 đến nay, công tác thu trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây, do đã có hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT. Thời gian qua, BHXH tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Việc quản lý và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH được thực hiện kịp thời, đầy đủ, ít xảy ra sai sót.

Cũng theo BHXH tỉnh, công tác khai thác và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, do địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung DN vừa và nhỏ, không có khu công nhiệp, thậm chí nhiều NLĐ không được ký hợp đồng lao động. Do vậy, số đối tượng và số thu năm sau cao hơn năm trước, nhưng số lượng tăng không lớn, độ bao phủ không cao…

Khó khăn trong giám sát, cân đối quỹ BHYT

Lãnh đạo BHXH tỉnh cũng cho biết, mặc dù công tác giám định được tăng cường, nhưng việc giám sát, cân đối quỹ BHYT hết sức khó khăn. Năm 2016, bội chi quỹ KCB BHYT tại tỉnh này là 128,348 tỷ đồng; năm 2017 là 191,4 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2018 có khoảng 2,78 triệu lượt KCB BHYT, với số tiền dự kiến khoảng 1.331,192 tỷ đồng (ước vượt quỹ 107 tỷ đồng).

Theo BHXH tỉnh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tác động của việc thông tuyến KCB, tăng giá viện phí. Đáng chú ý, còn có nguyên nhân mang tính đặc thù, khó khắc phục như: Mức phí đóng BHYT rất thấp (chi KCB BHYT trên địa bàn tỉnh bình quân 617.000 đồng/thẻ, trong khi toàn quốc là 897.000 đồng/thẻ) - tương ứng chênh lệch trên 365 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 01 bệnh viện hạng I và 06 bệnh viện hạng II áp dụng một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như mổ tim, đặt stent, thay khớp háng, khớp gối... Kiên Giang còn có Khoa Điều trị cán bộ (nằm trong Bệnh viện đa khoa tỉnh) với trên 8.000 người, chủ yếu là người cao tuổi mắc nhiều bệnh nên cũng có chi phí cao. “Thực hiện những dịch vụ trên, nên thời gian điều trị kéo dài, tỷ lệ sử dụng giường bệnh là 19%, so với toàn quốc là 17% và sử dụng tiền thuốc 38,75% so với toàn quốc 34,49%...”- đại diện BHXH tỉnh nói.

Ngoài ra, do áp lực tự chủ tài chính, các cơ sở KCB đã tăng cường chỉ định dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu trả lương cho nhân viên, nhất là chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng dịch vụ kỹ thuật đông y, phục hồi chức năng. Đa số bệnh nhân điều trị nội trú đều chỉ định đại trà xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích tế bào nước tiểu, điện tim. Có tình trạng nhiều cơ sở KCB chỉ định rộng rãi không cần thiết các dịch vụ siêu âm, phục hồi chức năng, kê thêm giường bệnh nội trú… Mặc dù BHXH tỉnh đã kiên quyết không thanh toán chi phí bất hợp lý với số tiền khá lớn (năm 2016 là 12,4 tỷ đồng và năm 2017 là 44,6 tỷ đồng); tuy nhiên số chi vượt quỹ vẫn cao.

Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Nguyễn Tất Thao cho rằng, công tác KCB BHYT tại tỉnh Kiên Giang còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có sự mất cân đối trong cơ cấu KCB. Theo ông Thao, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã chiếm phần lớn tổng số quỹ KCB BHYT, nên số còn lại ở các bệnh viện tuyến huyện chẳng là bao, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuyên môn và chất lượng KCB. Ngoài ra, một số bệnh viện có sự gia tăng chi phí điều trị đột biến, trong khi số lượng bệnh nhân không tăng; có nơi giá tiền giường lên đến 35%-50% tổng chi phí điều trị, còn tiền thuốc chiếm rất ít. Một số cơ sở KCB có tình trạng chỉ định mang tính chất tầm soát, chưa phù hợp quy định; chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Văn Phúc thừa nhận vẫn còn tình trạng trên; đồng thời chỉ rõ, lãnh đạo một số bệnh viện vẫn chưa có sự quan tâm sâu sát đến công tác KCB BHYT; đây đó vẫn còn tâm lý chỉ định rộng rãi dịch vụ, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, kê khai giường bệnh, nhất là ở một số bệnh viện tư nhân.

Chung tay tháo gỡ vướng mắc

Thông tin thêm tại buổi làm việc, BHXH tỉnh Kiên Giang cho biết, từ năm 2017 đến tháng 6/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã không gửi dữ liệu đúng quy định lên Cổng Thông tin giám định BHYT, khiến công tác giám định rất khó khăn. Còn phía Bệnh viện đa khoa tỉnh nêu lý do, từ năm 2017 đến nay còn tồn hơn 36 tỷ đồng chưa đưa vào quyết toán được, nguyên nhân là do bệnh viện sử dụng phần mềm khác nên không đưa dữ liệu lên Cổng Thông tin giám định được.

Vì vậy, tại buổi giám sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang phải chấn chỉnh ngay những tồn tại này. Theo đó, dứt khoát phải giải quyết việc chậm gửi dữ liệu; phải xem xét lại việc chỉ định chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, sử dụng thuốc tại bệnh viện… đảm bảo đúng quy định.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Sở Y tế cho hay, phần mềm riêng của Bệnh viện đa khoa tỉnh không đáp ứng yêu cầu. Từ năm 2016, Sở Y tế đã phát hiện và đề nghị thay đổi, song bệnh viện không chịu thực hiện. Trong khi đó, tất cả các cơ sở khác đã áp dụng phần mềm giám định và đưa dữ liệu lên Hệ thống giám định rất tốt.

Qua thực hiện giám sát tại Bệnh viện đa khoa khu vực Giồng Riềng và Bệnh viện đa khoa khu vực Kiên Giang cũng như làm việc tại BHXH tỉnh và UBND tỉnh, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định: Công tác KCB BHYT ở Kiên Giang còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Do đó, ông Phòng đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành Y tế, nhất là Bệnh viện đa khoa tỉnh hoàn thiện phần mềm thanh toán BHYT; chỉ đạo đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất tập trung thay vì đấu thầu riêng lẻ tại từng cơ sở KCB, tránh gây lãng phí; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn, nhất là với những cơ sở thường xuyên vượt trần, vượt quỹ. Ngoài ra, cần có những giải pháp để tăng tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT; giảm nợ đọng BHXH…

Tiếp thu những ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình yêu cầu Sở Y tế và BHXH tỉnh cần chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài nhiều năm qua. “Tình trạng nợ BHXH trên địa bàn đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi NLĐ; do đó các ngành chức năng cần đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân để có giải pháp xử lý. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, UBND tỉnh đề nghị HĐQL BHXH Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xử lý./.

 

Theo BHXH VN