Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam

19/07/2018 05:00 PM


Sáng ngày 17/7, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo dẫn đầu Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).

 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi kiểm tra.

Tham gia Đoàn kiểm tra có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện một số Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Làm việc với Đoàn kiểm tra có Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc BHXH Việt Nam.

Theo Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, lãnh đạo BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo sát sao, triển khai quyết liệt công tác CCHC đến từng đơn vị và từng công chức, viên chức trong toàn ngành để thực hiện và hoàn thành tốt các kế hoạch, nhiệm vụ được giao. BHXH Việt Nam đã ban hành 47 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác CCHC.

Xác định rõ trách nhiệm của Tổng Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát, đơn giản biểu mẫu, hoàn thiện quy trình trong tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), giải quyết chi trả chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và hưởng thụ. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã cắt giảm số TTHC của ngành từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày...

Năm 2018 và những năm tiếp theo, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 3. Đặc biệt, cho phép triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng; đổi mới quản lý, giảm biên chế, giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH Việt Nam.

Tất cả các TTHC của ngành BHXH đều được công bố và cập nhật trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, đồng thời công khai trên Trang thông tin điện tử của ngành và tổ chức niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH địa phương theo quy định.

Hiện nay, BHXH các địa phương đã thực hiện kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiếp nhận hồ sơ 2.0; đồng thời liên kết trực tiếp với hệ thống thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý của BHXH Việt Nam.

Đến thời điểm tháng 6/2018 có trên 90% đơn vị đã thực hiện giao dịch nộp hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, số hồ sơ tiếp nhận 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 2 triệu hồ sơ và trả kết quả giải quyết hơn 3,5 triệu hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ nộp qua dịch vụ bưu chính công ích).

Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành một số văn bản về tiêu chuẩn cán bộ, khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về lề lối làm việc, về thái độ và nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam đã được Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt tinh giản biên chế đối với 44 công chức, viên chức.

Năm 2017, BHXH Việt Nam đã thực hiện kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ tại 20 BHXH tỉnh, thành phố với trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của ngành trong công tác tổ chức cán bộ, công tác CCHC, công tác phòng, chống tham nhũng. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện của các đơn vị.

Về hiện đại hóa hành chính, toàn bộ văn bản chỉ đạo, thông tin, xử lý nghiệp vụ của BHXH Việt Nam được số hóa và sử dụng chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ để xác thực gửi tới các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, không gửi kèm văn bản giấy; toàn bộ văn bản đến, đi; soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc; trình ký, phát hành văn bản sử dụng chữ ký số được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

Hiện tại, ứng dụng công nghệ thông tin đã bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH, như giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… đã rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo của BHXH Việt Nam, các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ Đoàn kiểm tra và kết quả CCHC của BHXH Việt Nam đạt được tiến bộ qua từng năm thời gian qua. Điển hình là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc của BHXH Việt Nam, trong đó, nổi bật là kết quả đánh giá, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017, BHXH Việt Nam dẫn đầu khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Qua theo dõi công tác cải cách thể chế, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham gia góp ý 17 văn bản QPPL và nhiều nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến BHXH, các ý kiến góp ý rất xác đáng, có trách nhiệm, khẳng định được vai trò của BHXH đối với chính sách an sinh xã hội nói chung. BHXH Việt Nam đã thực triển khai và thực hiện tốt cơ sở dữ liệu liên quan đến BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.

Về hiện đại hóa hành chính, Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc rất ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của BHXH Việt Nam. Trong 06 chỉ số xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử, có 05 chỉ số BHXH đứng đầu, 01 chỉ số đứng thứ 3. Kết quả này đã đem lại hình ảnh tích cực về phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, việc gửi, nhận văn bản điện tử, tần suất xử lý văn bản điện tử và việc áp dụng chữ ký số cũng cần được cải thiện hơn nữa. Đề nghị BHXH Việt Nam khẩn trương xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của BHXH Việt Nam đảm bảo ban hành trong tháng 9/2019 theo quy định. Xác định rõ phạm vi của CSDL quốc gia về BHXH để đảm bảo triển khai có hiệu quả, vì đây là 1 trong 6 CSDL quốc gia cần triển khai thực hiện.

Về cải cách TTHC, đại diện Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ đánh giá rất cao công tác cải cách TTHC của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, việc công bố công khai bộ TTHC trên CSDL quốc gia còn chậm. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thực hiện rất tốt, 6 tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp nhận 13 kiến nghị và đã xử lý dứt điểm 12 kiến nghị, còn 01 kiến nghị đã chuyển BHXH Hà Nội xử lý nhưng vẫn chưa có kết quả.

Về cải cách tổ chức bộ máy và biên chế, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Lượng cho biết, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên xây dựng đề án xác định vị trí việc làm. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng sử dụng hợp đồng lao động làm chuyên môn và tỉ lệ hợp đồng lao động theo Nghị định số 68 vẫn còn, nhiều chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng. Đề nghị BHXH Việt Nam nhanh chóng xây dựng đề án sắp xếp lại các đơn vị đến năm 2021; hoàn thiện và phê duyệt lại đề án xác định vị trí việc làm; có phương án sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức hợp lý với số biên chế được giao và hoàn thiện đề án tinh giản biên chế đề năm 2030.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng đánh giá cao kết quả cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cần có nhiều số liệu chứng minh hơn, cần có phân tích, đánh giá các kết quả đã đạt được và chưa đạt được. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc đã đạt kết quả cao, nhưng việc vận hành, duy trì cũng cần nhân lực có trình độ cao, do đó, BHXH Việt Nam cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. BHXH Việt Nam cũng cần xây dựng tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của ngành.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc cấp thẻ BHYT và BHXH đạt khoảng 86%, đây chính là trụ cột của an sinh xã hội. Có được kết quả này là do BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt các nội dung của CCHC. Về công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo BHXH Việt Nam rất quyết liệt, thông qua việc ban hành 47 văn bản chỉ đạo, điều đó thể hiện sự quyết tâm trong việc CCHC của lãnh đạo BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, về tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam cần được tinh gọn hơn nữa, cần xây dựng lộ trình để thực hiện và việc thực hiện chi trả, thanh toán qua hệ thống ATM chưa cao, cần đẩy mạnh hơn nữa.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu của Đoàn kiểm tra, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị  Minh khẳng định, sẽ giải quyết triệt để những hạn chế mà thành viên Đoàn kiểm tra có ý kiến.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng chia sẻ, CCHC không thể không gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đây là một yêu cầu tất yếu, một yêu cầu tự thân và là sự sống còn của ngành. Để ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao, BHXH Việt Nam đã xây dựng tập trung, không phân tán dẫn đến chi phí nhiều mà hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, phải xây dựng một phần mềm nghiệp vụ chuyên dụng, BHXH Việt Nam đã không mua phần mềm của nước ngoài, vừa đắt và khó khăn trong việc vận hành, bảo hành và bảo trì mà tận dụng nguồn nhân lực trẻ về công nghệ thông tin kết hợp với chuyên gia của BHXH đặt đầu bài cho việc xây dựng phần mềm.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân biểu dương và ghi nhận nỗ lực CCHC của ngành, đặc biệt là đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo BHXH Việt Nam.

Về cải cách thể chế, BHXH Việt Nam cần xây dựng các văn bản theo hướng hạn chế TTHC, cải tiến theo yêu cầu quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Về xây dựng và nâng cao đội ngũ công chức, viên chức, BHXH Việt Nam cần mạnh dạn lựa chọn và sử dụng những người có năng lực, đặc biệt, có chính sách thu hút người có trình độ cao về công nghệ thông tin.

Về cải cách tổ chức bộ máy và biên chế cũng cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý phù hợp, có như vậy mới xác định vị trí việc làm phù hợp, tinh giản được biên chế và tiết kiệm chi phí.

Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị BHXH Việt Nam cần thực hiện 9 nội dung:

Một là, cần bám sát các Nghị quyết Trung ương 6, 7 để xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện, đặc biệt lưu ý vấn đề cải cách thể chế.

Hai là, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông dữ liệu.

Ba là, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18, đảm bảo đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bốn là, có lộ trình khắc phục tình trạng hợp đồng lao động làm chuyên môn, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức đúng quy định.

Năm là, sớm rà soát chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam theo tinh thần các nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII.

Sáu là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Bảy là, rà soát, cập nhật, bổ sung thường xuyên và phê duyệt lại đề án xác định vị trí việc làm.

Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BHXH, BHYT nhằm tránh việc lợi dụng, trục lợi cá nhân.

Chín là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của BHXH và có phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành./.

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Nội vụ