Bộ Y tế - BHXH Việt Nam: Giao ban thực hiện chính sách BHYT Quý I/2018
13/03/2018 04:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 11/3/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác thực hiện chính sách BHYT Quý I/2018. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, cùng lãnh đạo một số Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị.
Hội nghị cùng thảo luận về những kết quả thực hiện chính sách BHYT năm 2017, tìm giải pháp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT năm vừa qua và thời gian tới; sửa đổi Thông tư số 37/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ y tế.
Về công tác quản lý nhà nước về BHYT, báo cáo của Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017 đã ban hành được 05 Thông tư, 04 Quyết định. Bộ Y tế cũng ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Tổ chức Đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tại 10 tỉnh, thành phố; 02 bệnh viện trực thuốc Bộ Y tế; 01 phòng khám đa khoa tư nhân.
Bộ Y tế cũng phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng Kế hoạch truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chính sách BHYT năm 2017; tổ chức các hoạt động truyền thông nhân ngày BHYT Việt Nam 01/7. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các hình thức như: Tổ chức hội nghị, tọa đàm, phóng sự, thông tin báo chí, đối thoại chính sách, giao lưu trực tuyến,… Chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến về chính sách pháp luật về BHYT cho cán bộ của Sở Y tế, cơ sở KCB;…
Theo báo cáo tại Hội nghị của BHXH Việt Nam tính đến cuối năm 2017, số người tham gia BHYT là 79,95 triệu người, đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ có tỷ lệ bao phủ thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Năm 2017 có 168,2 triệu lượt KCB BHYT, tăng 10% so với năm 2016, trong đó số lượt KCB ngoại trú là 152,8 triệu lượt, tăng 12,8% và số lượt KCB nội trú là 15,3 triệu lượt, tăng 8,4%. Từ 01/5/2017, tất cả các cơ sở y tế đã áp dụng giá dịch vụ y tế (DVYT) có lương, trong đó, 36 tỉnh áp dụng đủ 12 tháng trong năm, 13 tỉnh áp dụng từ 21/3/2017 và 14 tỉnh áp dụng từ 21/4/2017. Do đó, chi phí KCB của một số tỉnh tăng cao.
2 tháng đầu năm 2018, có 11.816 cơ sở KCB đã thực hiện kết nối dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, đạt tỷ lệ 93,11% tỷ lệ dữ liệu gửi đúng ngày, đạt 51,15%, tăng 13,15% so với năm 2017. Tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày thấp ở các tỉnh: Bình Dương, Long An, Gia Lai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Việc mã hóa danh mục dùng chung ở một số tỉnh, thành phố còn chậm như: Long An, Lạng Sơn, Kon Tum, Hải Dương, Gia Lai, Quảng Nam.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng đề cập đến một số vấn đề vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT: Chưa thực hiện được chốt số liệu thanh, quyết toán do chưa có hướng dẫn về hệ số k năm 2017; thanh toán chi phí tiền giường tại các phòng khám đa khoa khu vực; thanh toán tiền ngày giường bệnh đối với cơ sở có số giường nội trú thực tế sử dụng cao hơn giường bệnh kế hoạch được giao; về thực hiện định mức trong giá dịch vụ KCB (số lượt khám, số lượt thực hiện các DVKT…). Đặc biệt, về thanh toán DVKT bằng máy mượn, đặt tại các cơ sở y tế công lập đang có số chi rất lớn. Ngày 8/12/2017, Bộ Tài chính đã có công văn số 16661/BTC-QLCS nêu rõ “Pháp luật hiện hành không quy định hình thức mượn máy hoặc đặt máy, đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB không thực hiện mượn máy hoặc đặt máy”. BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính để hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định.
Đề cập một số vướng mắc trong thanh toán thuốc, hướng dẫn đấu thầu mua thuốc, sử dụng kết quả đấu thầu thuốc… BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế, cơ sở KCB về một số tồn tại như: Hạn chế sử dụng một số thuốc đã có công văn của Cục QLD-BYT cảnh báo chứng minh về tính an toàn và hiệu quả trong điều trị; sử dụng hợp lý chế phẩm YHCT tại Trạm y tế xã, sử dụng hợp lý thuốc bổ trợ, thuốc hỗ trợ trong điều trị, thuốc được các chuyên gia đánh giá là không hiệu quả như Albumin, Acid amin do các thuốc này vẫn được nhiều cơ sở KCB chỉ định rộng rãi…; sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt theo đúng quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về chính sách BHYT sớm tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm, sử dụng và thanh toán VTYT, thiết bị y tế; danh mục dùng chung; thanh toán DVKT phiên tương đương; thẩm quyền ký và đọc kết quả xét nghiệm X-quang trong thanh toán BHYT… triển khai hệ thống Thông tin giám định BHYT.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Hai ngành phối hợp trên quan điểm chung hai bên là phải đảm bảo quyền lợi người dân tham gia BHYT, đảm bảo các cơ sở KCB có nguồn thu hợp lý và xứng đáng. Đồng thời, phải đảm bảo nguồn quỹ đủ chi trả; minh bạch chính sách, về chi phí không bị lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về BHYT, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam gấp rút thực hiện sửa đổi Thông tư 37 phù hợp với các tiêu chí trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo thống nhất với đề xuất của BHXH Việt Nam về cách tính hệ số k năm 2017, xin ý kiến Chính phủ về nội dung này và có thể tính theo chỉ số CPI 2017 là 1,0353; Cục Quản lý KCB sớm ban hành danh mục, phân tuyến, phân hạng DVKT; Bộ Y tế xây dựng gấp Thông tư hướng dẫn riêng về đấu thầu VTYT, cùng bộ mã danh mục VTYT chi tiết theo tên thương mại, mã hiệu sản phẩm để quản lý, thống nhất trên toàn quốc… Các điểm chưa thống nhất trong thanh toán chi phí KCB BHYT sẽ tiếp tục được hai ngành Y tế và BHXH đã thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách BHYT, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT; công tác thông tin truyền thông… hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...