Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Người dân cần được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế”

28/02/2018 07:11 AM


Mặc dù tỷ lệ hài lòng của người bệnh với ngành y tế tăng đều qua các năm nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đây mới chỉ là chuyển biến tích cực bước đầu. Bà nói rằng ngành y tế còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là với y tế cơ sở, để được dân tin yêu hơn. Ở chiều ngược lại, đã đến lúc xã hội cần quan tâm đến sự an nguy của nhân viên y tế để họ được chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.

 

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở”

- Ngay từ lần đầu tiên nhận chức Bộ trưởng vào năm 2011, bà đã xác định ngành y tế phải thay đổi để lấy lại niềm tin của người dân. Thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện mục tiêu này, kết quả là tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng đều qua các năm. Về phần mình, bà có hài lòng với kết quả ngành y tế đã đạt được không?

- Hai trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ trước của ngành y tế là đổi mới phong cách thái độ của nhân viên y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo kết quả khảo sát độc lập tại  170 bệnh viện trên cả nước trong năm 2017, thì  mức độ hài lòng của người bệnh với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hiện đạt chung 89,8%. Đây là sự ghi nhận tích cực của xã hội đối với nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nhờ các kế hoạch như Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam… mà ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang “cung cấp dịch vụ”, “phục vụ”, việc tiếp đón người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước và bộ mặt bệnh viện thay đổi rõ rệt.

Song song với đó, sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp, mà cụ thể là xây dựng thêm những bệnh viện mới cùng những kế hoạch như bệnh viện vệ tinh, chuyển kỹ thuật xuống tuyến dưới, tình trạng quá tải bệnh viện cũng từng bước được giải quyết. Ở khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm mạnh. 37/39 bệnh viện tuyến trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Tuy mừng với kết quả này, nhưng tôi nghĩ đây cũng mới chỉ là những chuyển biến tích cực ban đầu. Thực tế vẫn còn không ít người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, nhất là tại một số bệnh viện  tuyến cuối đang bị quá tải. Tôi biết rằng để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào đội ngũ thầy thuốc thì ngành y tế và bản thân tôi còn rất nhiều việc phải làm.

- Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục tăng độ bao phủ BHYT, nhưng nếu không có cơ sở y tế dịch vụ rộng khắp, gần dân thì thẻ BHYT sẽ không hiệu quả như mong muốn. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung cho y tế cơ sở như thế nào thưa bà?

- Lãnh đạo Bộ Y tế cũng như cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở không chỉ bởi đây là một trong những biện pháp giúp giảm tải bệnh viện, thu hút người dân mua bảo hiểm, mà quan trọng hơn là người bệnh sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn ngay tại địa phương.

Năm qua, Bộ Y tế đã củng cố hệ thống tổ chức bộ máy mạng lưới y tế cơ sở theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả, thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng (cả dự phòng và khám, chữa bệnh - PV) và quản lý trạm y tế xã; bước đầu triển khai quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại trạm  y tế xã; mô hình bác sỹ gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế và dồn sức triển khai các dự án, đề án: Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn theo chế độ cử tuyển...  Một số chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt tại vùng mà điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn đã được xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với cán bộ trạm y tế xã Hát Lừu, Trạm Tấu, Yên Bái.

Chúng tôi cũng huy động được nhiều dự án viện trợ, vốn vay ưu đãi để đầu tư cho y tế cơ sở. Đặc biệt, các trạm y tế xã được phân loại theo Quyết định 4667/QĐ-BYT năm 2014 của Bộ Y tế về tiêu chí quốc gia y tế xã, trong đó chia thành 3 vùng dựa trên khoảng cách địa lý, địa hình, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân để đầu tư cho phù hợp, không dàn trải, tránh lãng phí. Cũng trong năm qua, Bộ Y tế đã ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án 2348 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm 2016 và ban hành hướng dẫn triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm.

- Những giải pháp đồng bộ này đã mang lại kết quả gì trong việc nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, thưa bà?

- Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình… Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…

Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Điều này được chứng minh qua tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng từ 11,9% năm 2004 lên 17,6% năm 2010 và 43,5% năm 2016, lượt khám chữa bệnh nội trú tăng từ 35,4% năm 2004 lên 38,3% năm 2016. Đến nay, khoảng 80% tổng số trạm y tế đã triển khai khám chữa bệnh BHYT. Các bệnh viện, trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp, được chuyển giao kỹ thuật nên năng lực cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện. Một số bệnh viện huyện đã cung cấp được các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.

Các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Không thể bỏ qua sự an nguy của nhân viên y tế

- Năm vừa qua, những vụ bạo hành y tế xuất hiện với mật độ dày đặc, tính chất cũng ngày càng hung bạo. Đến mức có ý kiến nói rằng nghề y đã bất ngờ trở thành nghề nguy hiểm, bà nghĩ gì về tình trạng này?

- Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung cả về thân thể và tinh thần, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần làm việc. Và khi xảy ra một vụ bạo hành nhân viên y tế thì cả cộng đồng y khoa đều bị thương tổn tâm lý và nỗi hoang mang lại tăng cao. Điều này có thể tác động đến mức độ tập trung và sự chính xác của họ trong khi hành nghề.

Bên cạnh đó, có một thực tế đáng buồn nữa, đó là đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải côn đồ hay đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong đó có cả những cán bộ nhà nước hay doanh nhân. Tôi nghĩ đã đến lúc rung chuông báo động về việc bảo vệ nhân phẩm, danh dự, sự an toàn, thậm chí tính mạng của nhân viên y tế, bác sĩ trong bối cảnh hiện nay. Chỉ khi cán bộ, nhân viên y tế cảm nhận được sự quan tâm, chú ý của xã hội và các cơ quan chức năng đến sự an nguy của mình, họ mới có niềm tin để hành nghề và cống hiến cho xã hội.

- Có cách nào ngăn chặn được nạn bạo hành y tế, thưa bà?

- Từ phía ngành y tế, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế, tăng sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người thầy thuốc. Chúng tôi  kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực. Chúng tôi cũng cần các cơ quan báo chí truyền thông và cộng đồng lên tiếng phê phán những hành vi bạo lực nhằm vào đội ngũ thầy thuốc.  Với tính đặc thù của y tế, chúng tôi kiến nghị các ĐBQH xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để những hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ.

- Năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra thông điệp chăm sóc sức khỏe nhân dân là vấn đề quan trọng đặc biệt. Xin bà chia sẻ một số ý tưởng về việc làm gì để y tế Việt Nam phát triển?

- Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “một hệ thống y tế tốt cung cấp các dịch vụ có chất lượng đến mọi người dân, khi nào và ở đâu họ cần”. Để y tế Việt Nam phát triển, tôi cho rằng, cần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ từ phía các cơ sở y tế cũng như giảm các rào cản cả về địa lý, tài chính, văn hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, tôi nghĩ có 4 nhóm giải pháp chủ yếu. Một là, thực hiện các giải pháp y tế công cộng, bao gồm việc nâng cao hiểu biết của người dân về sức khỏe. Hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, lấy người dân làm trung tâm, bao phủ toàn bộ các khu vực địa lý, đặc biệt quan tâm tới các nhóm dân cư yếu thế, theo dõi sức khỏe đến từng người dân. Ba là, nâng cao hiệu suất của hệ thống y tế thông qua việc sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích... Bốn là, tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân trong khám chữa bệnh, trong đó, tiếp tục thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Theo Báo ĐBND