Cải cách chính sách BHXH: Cần có tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ
28/02/2018 06:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH đang được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện trình Bộ Chính trị; sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về cái cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 tại kỳ họp tới đây. Để cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan về nội dung này, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam.
Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam.
- Phóng viên: Ông có thể đánh giá khái quát về những thành tựu đạt được trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH từ năm 1995 đến nay?
+ Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH: Thực tế sau hơn 20 năm tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo đường lối đổi mới cho thấy, chủ trương tách chức năng quản lý Nhà nước về BHXH với hoạt động sự nghiệp BHXH, lập quỹ BHXH độc lập với ngân sách Nhà nước là một chủ trương đúng đắn. Quỹ BHXH hình thành dựa trên sự đóng góp của người sử dụng lao động, NLĐ; quyền lợi về BHXH được bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng; quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả; quỹ được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước có chính sách đầu tư, bảo toàn tăng trưởng quỹ để đảm bảo khả năng chi trả các chế độ BHXH một cách bền vững.
Đối với cơ quan BHXH - cơ quan được giao quản lý quỹ BHXH và tổ chức, thực hiện các chế độ BHXH đã phát triển không ngừng. Đặc biệt trong năm 2017, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nghiệp vụ của Ngành BHXH đã tạo nên những bước đột phá then chốt, giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, cải cách, đổi mới, tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ BHXH; việc thực hiện giao dịch điện tử giúp các tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH được thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công về BHXH. Từ việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH có hiệu quả của Ngành BHXH đã phát huy vai trò là cầu nối đưa chính sách vào cuộc sống; đồng thời cũng là kênh tiếp thu và phản ánh những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH.
- Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông có thể cho biết những tồn tại, khó khăn, thách thức trong việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH?
+ Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH: Hiện nay, thánh thức lớn nhất đối với chúng ta trong việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH chính là việc phát triển đối tượng tham gia. Tuy đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ bao phủ về BHXH vẫn còn thấp; cùng với đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh, đây sẽ là gánh nặng đối với thế hệ tương lai. Bởi theo dự báo, số người đóng góp vào quỹ BHXH sẽ ngày càng ít hơn so với số người hưởng lương hưu.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ số người đóng cho một người hưởng lương hưu giảm đi rất nhanh: Nếu như năm 1996 là 217 người đóng cho một người hưởng; năm 2006 là 12,6 người đóng cho một người hưởng; năm 2007 là 14 người đóng cho một người hưởng; năm 2015 là 12,1 người đóng cho một người hưởng; thì đến năm 2016 chỉ còn 8,5 người đóng cho một người hưởng.
Qua tổ chức, triển khai chính sách BHXH thời gian qua cho thấy, việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là hết sức khó khăn. Dó đó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tạo được bước đột phá lớn thì mục tiêu này là khó khả thi.
Bên cạnh đó, trong chính sách BHXH vẫn còn một số tồn tại như: Một số nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, và khoảng cách giữa người có mức lương hưu thấp nhất và cao nhất quá xa; việc điều chỉnh tăng mức lương hưu các năm qua còn mang tính cào bằng, phát sinh những bất cập mới cần được nghiên cứu xử lý sớm; thiết kế mức đóng, hưởng đối với chế độ hưu trí chưa phù hợp; nguyên tắc đóng - hưởng tuy đã có quy định trong Luật BHXH nhưng chưa triệt để, chưa có sự chia sẻ giữa những người tham gia; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, mới chỉ chiếm khoảng 60% số tiền NLĐ nhận được khi đang làm việc, tạo ra sự hẫng hụt về thu nhập khi nghỉ hưu; Luật BHXH chưa có quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi (như quy định có lộ trình đối với lao động nam), đang là mối quan tâm, lo ngại của xã hội;...
Ngoài những tồn tại, hạn chế về mặt chính sách thì chính việc thiếu nhận thức, thiếu tính tuân thủ pháp luật BHXH của người sử dụng lao động và NLĐ cũng là những trở ngại lớn gây khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH như: Tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, gian lận về BHXH còn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố với nhiều thủ đoạn tinh vi gây thất thu, thất thoát quỹ BHXH; số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hàng năm, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cho mọi NLĐ, có thể gây mất ổn định xã hội trong tương lai.
Chính việc thiếu nhận thức, thiếu tính tuân thủ pháp luật BHXH của người sử dụng lao động đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh của NLĐ. (Nguồn ảnh: Internet)
- Phóng viên: Vậy theo ông, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nên trên là gì?
+ Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH: Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Nền kinh tế nước ta tuy có phát triển ngoạn mục nhưng chưa có tính bền vững cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; chậm chính thức hóa khu vực phi chính thức; khả năng thu hút lao động của nền kinh tế còn hạn chế.
Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý, điều hành doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người có việc làm, có thu nhập nhưng không ký giao kết hợp đồng lao động.
Từ năm 2018, Nhà nước mới bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp. Chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù cho nông dân, người làm trong khu vực phi chính thức ở thành thị.
Quy định thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu (20 năm) còn khá dài; cộng với những thay đổi về chính sách BHXH đã làm cho một bộ phận NLĐ không đủ kiên trì theo đuổi đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để nhận lương hưu, trong khi điều kiện hưởng BHXH một lần lại được quy định khá rộng rãi, dẫn đến tâm lý muốn nhận BHXH một lần và số người nhận BHXH một lần có xu hướng ngày càng gia tăng, làm giảm diện bao phủ BHXH, ảnh hưởng tới mục tiêu ASXH cho NLĐ khi hết tuổi làm việc.
Mức điều chỉnh tăng lương hưu theo mức tăng lương của người đang làm việc luôn cao hơn chỉ số giá tiêu dùng; mức tăng không phù hợp giữa các nhóm đối tượng còn mang tính cào bằng, chưa quan tâm đúng mức đến nhóm có mức lương hưu thấp làm phát sinh nhiều bất cập mới.
Các quy định về lao động, tiền lương, BHXH chưa tiệm cận với quy chuẩn quốc tế, thiếu đồng bộ; chưa giao trách nhiệm đối với cơ quan làm đầu mối quản lý số lượng đơn vị, NLĐ cũng như diễn biến tăng giảm lao động; việc nắm bắt, quản lý, theo dõi biến động đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc còn hạn chế do công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý DN, lao động, thuế tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Phóng viên: Vậy với kinh nghiệm thực tế của mình, ông có đề xuất gì về nội dung cải cách chính sách BHXH lần này?
+ Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH: Để khắc phục những hạn chế như đã phân tích ở trên, và nhằm đưa chính sách BHXH đi vào cuộc sống, tôi cho rằng về nhận thức chúng ta cần phải đổi mới và quán triệt đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ, bền vững; phải thống nhất về mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta về BHXH suy cho đến cùng là tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân, nhằm bảo đảm ASXH bền vững theo quy định trong Hiến pháp nước ta.
Để thực hiện được các mục tiêu này, theo tôi cần tập trung cải cách với những nội dung cơ bản sau đây:
Mở rộng diện bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân
Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng nhằm tăng diện bao phủ, bảo đảm quyền về ASXH của người dân và tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn bổ sung thu nhập vào lương hưu khi về già.
Hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng này sẽ gồm:
Tầng 1, lương hưu xã hội (trợ cấp tuổi già) phổ cập toàn dân do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo: Đây là khoản phúc lợi xã hội từ nguồn NSNN thông qua phân phối lại thu nhập quốc dân. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và mức hưởng lương hưu xã hội cho phù hợp với khả năng của NSNN tại từng thời kỳ. Theo đó, chỉ đạo rà soát các nhóm đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên từ nguồn NSNN mà có bản chất là phúc lợi xã hội có thể đưa vào diện bao phủ về BHXH để thống nhất quản lý.
Tầng 2, bảo hiểm hưu trí (bảo hiểm tuổi già) dựa trên đóng góp vào quỹ BHXH theo loại hình bắt buộc hoặc tự nguyện: Thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ. Quỹ BHXH là quỹ tiền tệ tập trung, hạch toán độc lập với NSNN, được Nhà nước bảo hộ và cấp bù khi bị mất cân đối. Nhà nước thống nhất quản lý quỹ BHXH để trợ cấp cho các đối tượng tham gia BHXH nhằm ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình họ khi mà đối tượng tham gia gặp rủi ro. Các chế độ được quỹ BHXH chi trả bao gồm: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thất nghiệp; hưu trí; tử tuất. Phương thức tài chính quỹ BHXH (mô hình quỹ BHXH) thực hiện theo quy định của pháp luật về BHXH và có sự điều chỉnh mức đóng, mức hưởng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ, nhằm đảm bảo khả năng chi trả bền vững của quỹ.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện nhằm tạo thói quen, hình thành văn hóa đóng BHXH cho người dân để tăng dần độ bao phủ tiến tới BHXH toàn dân. Mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ cụ thể sẽ do Chính phủ quy định cho phù hợp với từng thời kỳ. Về lâu dài, khi người dân đã hiểu rõ ý nghĩa của BHXH và thu nhập của người dân được cải thiện thì có thể chuyển sang quy định BHXH bắt buộc.
Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho nhóm: Người nghèo, người cận nghèo, nông dân, người làm việc trong khu vực phi chính thức ở thành thị với mức hỗ trợ đề xuất theo tỷ lệ 1-1 (người tham gia đóng 01 đồng thì Nhà nước hỗ trợ tương ứng 01 đồng) trong khoảng thời gian nhất định, có thể tối đa là 10 năm, sau đó sẽ giảm dần mức hỗ trợ. Mức cụ thể do Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ.
Tầng 3, bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện: Bổ sung thu nhập cho người về hưu ở tầng 2 hoặc bổ sung thu nhập khi tham gia các chương trình bảo hiểm hưu trí khác; thực hiện theo hình thức tự nguyện, hoạt động theo quy định của pháp luật với mục đích nhằm đảm bảo hoặc bổ sung thu nhập cho người tham gia khi đến tuổi già được bảo đảm ASXH. Nhà nước ban hành thể chế, pháp luật, tạo hành lang pháp lý để cho các loại hình này phát triển lành mạnh, bình đẳng, công bằng, hiệu quả; bảo toàn và tăng trưởng giá trị tài sản của người tham gia; giúp người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mình nhằm bổ sung thu nhập cho người tham gia được hưởng quyền lợi cao hơn tương ứng với đóng góp vào các quỹ nói trên theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khuyến khích phát triển các loại hình bảo hiểm và khuyến khích người dân tham gia các loại hình bảo hiểm, nhằm giúp người dân khi về già đều được bảo đảm ASXH.
Song song đó, cần mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: NLĐ có việc làm được trả tiền lương, thu nhập theo quy định của pháp luật thì phải đóng BHXH; người sử dụng lao động có sử dụng lao động và trả tiền lương, thu nhập theo quy định của pháp luật cho NLĐ, đã hạch toán khoản chi phí tiền lương, thu nhập vào giá thành sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ thì phải đóng BHXH cho NLĐ; tiến tới quy định NLĐ từ đủ 15 tuổi trở lên, có thu nhập, bắt buộc phải đóng BHXH.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, BHXH
Thứ nhất, chỉ đạo rà soát, tổng kết, đánh giá lại toàn bộ các chính sách, pháp luật đã ban hành về lĩnh vực ASXH và các chính sách có liên quan (xác định rõ nội hàm của các khái niệm ASXH, hệ thống ASXH ở Việt Nam; đánh giá sâu về công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, công tác quản lý Nhà nước, quản lý và tổ chức thực hiện ASXH); rà soát thống kê chính xác các nhóm đối tượng được tham gia và thụ hưởng ASXH, đặc biệt là nguồn lực thực hiện (phải tổng kết đầy đủ số tiền NSNN hàng năm chi ra để đảm bảo ASXH cho người dân - đây là minh chứng thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền được ASXH của người dân đã được quy định trong Hiến pháp).
Đối với các khoản đóng góp của người dân, NLĐ, người sử dụng lao động để bảo đảm ASXH cũng phải được tổng rà soát, thống kê lại một cách đầy đủ để xem xét việc đóng góp đó là cao hay thấp so với mức hưởng tương ứng của họ theo các quy định của pháp luật hiện hành, so với điều kiện của Việt Nam và so sánh với mặt bằng chung của các nước có cùng điều kiện tương đồng.
Trên cơ sở tổng rà soát chính sách, pháp luật về ASXH và các chính sách khác có liên quan, đặc biệt là chính sách lao động, tiền lương, BHXH để chỉ ra các mối liên hệ, ràng buộc, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính sách; xác định chính xác nhóm đối tượng muốn điều chỉnh và nguồn lực thực hiện để có bài toán tổng thể về việc bố trí nguồn lực cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung, tích hợp chính sách, pháp luật phù hợp, hiệu quả, tin cậy, theo quan điểm phát triển bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó chính sách BHXH là trụ cột.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH và các chính sách, pháp luật có liên quan.
NLĐ nên thận trọng cân nhắc việc nhận chế độ BHXH một lần, nhằm tự bảo đảo an sinh cho bản thân khi hết tuổi lao động, về già. (Nguồn ảnh: Internet)
Thứ hai, thiết kế mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí (bảo hiểm tuổi già) phù hợp, linh hoạt, đảm bảo công bằng, chia sẻ và bền vững quỹ BHXH: Quy định mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ BHXH tối thiểu phải bằng 70% số tiền thực tế (thu nhập cơ bản) NLĐ nhận được, kiểm soát các khoản thu nhập ngoài lương, chống chuyển giá, trốn thuế. Quy định mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao nhất không quá 10 lần mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của tất cả những người tham gia đóng BHXH tại thời điểm đóng (sau đây gọi tắt là mức tiền lương bình quân chung tháng đóng BHXH) và thấp nhất bằng mức sống tối thiểu chung của dân cư tại thời điểm đóng. Bỏ quy định trần đóng BHXH theo mức tiền lương cơ sở, theo đó các chế độ BHXH đang tính theo mức tiền lương cơ sở sẽ được thay thế bằng mức tiền lương bình quân chung tháng đóng BHXH.
Cụ thể hóa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc công bằng trong chế độ bảo hiểm hưu trí, trong công thức tính lương hưu đối với nam và nữ, đối với khu vực công và khu vực tư, đối với dân sự và lực lượng vũ trang để củng cố và tạo niềm tin của người tham gia đóng góp vào quỹ BHXH.
Nghiên cứu giảm thời gian đóng vào quỹ BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ đủ 20 năm xuống còn từ đủ 15 năm theo lộ trình; từ năm 2030 trở đi có thể giảm tiếp hoặc giữ nguyên, tùy theo tình hình cụ thể.
Quy định mức sàn lương hưu (mức lương hưu thấp nhất) đối với người tham gia đóng vào quỹ BHXH bằng mức sống tối thiểu chung của dân cư cả nước. Khi lương hưu thấp hơn mức sống tối thiểu chung thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp bù cho bằng mức sống tối thiểu chung của dân cư tại thời điểm hưởng. Đối tượng, mức bù cụ thể do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện kinh tế của từng thời kỳ.
Điều chỉnh mức tiền lương, thu nhập đã đóng vào quỹ BHXH trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Hạn chế nhận BHXH một lần từ quỹ BHXH; và nếu nhận BHXH một lần thì chỉ được nhận phần đóng góp của NLĐ vào quỹ hưu trí và tử tuất trong quỹ BHXH.
Bản chất chế độ hưu trí là bảo hiểm tuổi già, theo đó có quy định lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu cho đến năm 2025, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 58 tuổi; lao động nam là đủ 62; tiến tới quy định thống nhất tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ và nâng dần theo lộ trình đến năm 2050 đạt 65 tuổi. Hạn chế người hưởng chế độ hưu trí trước tuổi, tiến tới bỏ quy định nghỉ hưu trước tuổi để thực hiện chế độ bảo hiểm tuổi già theo thông lệ quốc tế.
Không thực hiện điều chỉnh lương hưu đối với người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH theo mức điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc. Trước mắt, tập trung điều chỉnh đối với nhóm có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sơ được điều chỉnh bằng mức sống tối thiểu chung của dân cư. Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lương hưu đối với người hưởng lương hưu từ nguồn NSNN và các nhóm khác cho công bằng, hợp lý.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH
Thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về BHXH, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân cấp cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước về BHXH ở Trung ương và địa phương. Nâng cao năng lực của cơ quan Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển BHXH; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH và chính sách, pháp luật có liên quan; xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật.
Rà soát, hoàn thiện phương thức tài chính quỹ BHXH; xây dựng, hoàn thiện bộ công cụ tính toán dự báo tài chính các quỹ BHXH; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật BHXH về hình thức, phương án đầu tư đa dạng để bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH hiệu quả, minh bạch, an toàn.
Chỉ đạo, xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan về lao động, dân cư, thuế, DN để phối hợp quản lý.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung cấp dịch vụ công của cơ quan BHXH.
Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, quản lý quỹ BHXH
Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho Ngành BHXH, cụ thể là chức năng thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay, nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ và sự bền vững của các quỹ này. Thực hiện công tác đầu tư quỹ BHXH đúng quy định của pháp luật nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ nhưng phải an toàn, bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ và bảo đảm quyền lợi đối với người tham gia và thụ hưởng BHXH, làm cho người dân yên tâm tin tưởng vào chính sách và vào cơ quan quản lý quỹ BHXH.
Đẩy mạnh công tác cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH của hệ thống BHXH từ Trung ương đến địa phương; cải cách thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi; cung cấp thông tin đóng, hưởng, tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát cơ quan BHXH; giảm tối đa chi phí quản lý BHXH; nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ công về BHXH, tạo được lòng tin và sự đồng thuận của người dân và tổ chức đối với Ngành BHXH.
Tiếp tục, hiện đại hóa quản lý BHXH, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH có liên thông, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; thực hiện giao dịch điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và tổ chức khi tiếp cận với cơ quan BHXH, góp phần củng cố niềm tin của người tham gia về chính sách BHXH.
Tuy nhiên, trong tiến trình cải cách chính sách BHXH chúng ta cần đặc biệt lưu ý: Cải cách chính sách BHXH phải đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh quan hệ đóng - hưởng BHXH; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp và tuân thủ đúng các nguyên tắc công bằng, chia sẻ, bền vững; cần phải có tầm nhìn dài hạn đi đôi với các giải pháp đồng bộ nhưng phải được tiến hành khẩn trương và có lộ trình phù hợp tránh gây “những cú sốc” cho xã hội, nếu không sẽ bỏ lỡ thời cơ và khi thực hiện sẽ rất khó khăn.
- Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...