BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 51/NQ-CP

27/09/2017 02:14 AM


Ngày 22/9/2017, BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

 

Chương trình hành động nhằm mục tiêu: Tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 51/NQ-CP, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, công chức, viên chức trong toàn Ngành đối với công tác quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Cụ thể đến năm 2020: Nâng cao chất lượng và hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; trên 90% dân số tham gia BHYT; Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí; chống trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị, của công chức, viên chức và người lao động trong Ngành; sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, BH thất nghiệp.

BHXH Việt Nam yêu cầu: Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đối với toàn thể công chức, viên chức trong ngành BHXH; cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc chức năng của BHXH Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu, định hướng chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Thứ nhất, tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động, Kế hoạch của BHXH Việt Nam thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT bắt buộc. Thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa BHXH Việt nam với Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an và công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác xử lý và thu hồi nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT;  tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Nâng cáo hiệu quả công tác tuyên, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân qua đó tạo sự thống nhất giữa nhận thức và hành động trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng phương thức giao dịch điện tử trong việc thực hiện thu đóng, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Kiểm soát chặt chẽ các thủ tục chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định, đảm bảo đầy đủ và kịp thời các nguồn kinh phí để các đơn vị thực hiện chi trả BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho người hưởng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị, hạn chế tối đa trục lợi BHXH. Kiểm soát gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT bất hợp lý và lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tăng cường công tác giám định việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh BHYT để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền không thực sự cần thiết.

Thứ năm, tăng cường quản lý các quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT bảo đảm cân đối thu, chi, hiệu quả và an toàn.

Thứ sáu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý tài chính, tài sản chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi xẩy ra các vi phạm.

Thứ bẩy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT để phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT để phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức trong Ngành; kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định sử lý sau thanh tra, kiểm tra.

Thứ tám, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự ngành BHXH. Đẩy mạnh tinh giảm biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức; thực hiện đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị. Xây dựng tổ chức bộ máy của ngành BHXH phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, hoạch định kế hoạch trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách của ngành BHXH.

Căn cứ Chương trình hành động, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị mình, đưa việc thực hiện Chương trình hành động vào Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của đơn vị và tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.

 

Theo Website BHXH VN