Đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với các doanh nghiệp FDI

16/12/2016 02:24 AM


Ngày 16/12/2016, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giữa BHXH Việt Nam với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Doi thoai 161216 01.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng… cùng đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài Chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, VCCI và đại diện các DN, Hiệp hội DN FDI tại Việt Nam.

Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: Tham luận của BHXH Việt Nam, VCCI và một số DN FDI về thực trạng thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong các DN FDI hiện nay; Đối thoại giữa cơ quan chức năng và DN FDI về giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, đến nay cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam với những đóng góp to lớn. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như DN, đồng thời thực hiện công cuộc cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN, trong những năm qua chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản được thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động. Trong đó, công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

BHXH Việt Nam đã tiến hành tổng rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN  nói chung, các DN FDI nói riêng. Với tinh thần cầu thị và hy vọng cải cách được nhiều thủ tục hành chính hơn nữa tạo thuận lợi cho các DN trong đó có các DN FDI, BHXH Việt Nam mong muốn được nghe ý kiến, phản hồi của các DN về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Việt Nam, để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thực hiện, hoàn thiện các chính sách này để phục vụ DN ngày càng hiệu quả hơn.

Theo tham luận “Tình hình thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” của BHXH Việt Nam đánh giá về công tác thu và phát triển đối tượng, tính đến 30/9/2016 có 15.679 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tăng 776 DN (5,2%) so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 3.631.705 người, tăng 153.043 người (4,4%) so với năm 2015. Dự kiến đến 31/12/2016 là 3.732.235 người, tăng 253.273 người (7,3%) so với năm 2015; Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 51.770 tỷ đồng chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến đến 31/12/2016 tổng số là 69.027 tỷ đồng, tăng 11.713 tỷ đồng (20,4%) so với năm 2015. Riêng tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 2.098 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu của khối DN FDI. Nhìn chung, các DN FDI cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Do đặc thù, lực lượng lao động của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động trẻ nên các chế độ BHXH hưởng chủ yếu là chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Doi thoai 161216 02.jpg
Ý kiến của đại diện DN tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện một số DN FDI cũng đã phản ánh những khó khăn của DN khi thực hiện Luật BHXH 2014. Trong đó, đại diện công ty Canon Việt Nam cho rằng: Tại Khoản 2, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể áp dụng quy định này đối với lao động nước ngoài đến từ các nước mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chung về BHXH để đảm bảo lợi ích cho những lao động nước ngoài này khi họ trở về nước hoặc chuyển sang làm việc tại quốc gia khác. Tuy nhiên, hiện nay lại chưa ký kết được các thỏa thuận này.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động làm việc theo HĐLĐ từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, theo ý kiến đại diện các DN FDI, đối với các DN có biến động lao động thường xuyên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phát sinh, mùa vụ… việc quản lý sổ BHXH sẽ gặp nhiều khó khăn và đồng thời làm gia tăng chi phí và nhân lực của DN để xử lý. Ngoài ra, nếu NLĐ chỉ làm việc chưa được một tháng đã nghỉ thì người sử dụng lao động phải chịu rủi ro rất lớn do không thể báo tăng, giảm số lượng NLĐ trong 1 tháng với cơ quan BHXH.

Tại Điểm C, Khoản 2, Điều 12, TT 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: Thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH. Kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng cả chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ sinh con nhưng NLĐ và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT. Theo đại diện DN FDI, trường hợp NLĐ không đi làm sớm thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hết thời hạn nghỉ sinh vẫn được tính thời gian đóng BHXH. Nếu NLĐ đi làm sớm vẫn phải đóng BHXH cho thời gian đi làm trước hạn thì sẽ gây mất công bằng giữa hai đối tượng này…

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn