Chủ động trong kiểm soát chi phí KCB BHYT

15/08/2016 12:32 AM


Ngày 11/8, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đã làm việc với BHXH các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh về tình hình thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm.

Hop 120816.jpg
Quang cảnh buổi làm việc


Tại buổi làm việc, đại diện BHXH các tỉnh đã báo cáo về tình hình thanh quyết toán chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016; phân tích những nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí KCB và kiến nghị những giải pháp cân đối quỹ BHYT…

Theo Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, năm 2016, BHXH TP đã ký hợp đồng KCB BHYT với 191 cơ sở KCB, trong đó có 83 bệnh viện, 36 trung tâm y tế và tương đương, 20 phòng khám tư nhân, 52 y tế cơ quan, trường học. Quá trình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn TP vẫn còn một số khó khăn như: Việc thông báo cho các cơ sở KCB về các trường hợp lao động báo giảm hẳn không trả thẻ BHYT vẫn chưa thực hiện được; Không tham gia được tất cả các giai đoạn trong quá trình mua sắm, đầu thầu thuốc của cơ sở; Chưa có cơ sở để giám định thanh toán chi phí thuốc đối với thuốc Đông y, thuốc tự bào chế; Vẫn còn tình trạng khi xây dựng kế hoạch thầu đưa vào danh mục các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế ít cạnh tranh trong đấu thầu, các thuốc phát sinh mới nhưng không có thuyết minh, giải trình cụ thể;…

Tại BHXH Bắc Ninh, tính đến 30/6, toàn tỉnh có 943.701 người tham gia BHYT, tăng 78.893 người, bằng 9,12% so với cùng kỳ năm 2015. BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB với 26 cơ sở KCB. 6 tháng đầu năm, tổng số người KCB BHYT là 659.248 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015. Chi phí KCB BHYT là 365,7 tỷ đồng, tăng 125,9 tỷ đồng (bằng 52%) so với cùng kỳ năm 2015.

Năm 2016, BHXH Bắc Giang ký hợp đồng với 32 cơ sở KCB. Các cơ sở KCB đã tổ chức KCB cho 1.089.994 lượt người, trong đó có 980.131 lượt khám ngoại trú, 108.863 lượt nội trú. Chi phí KCB 6 tháng đầu năm là 412,3 tỷ đồng, trong đó chi phí khám ngoại trú là 197,9 tỷ đồng bằng 161,9% so với năm 2015, nội trú là 214,3 tỷ đồng bằng 195,6% so với năm 2015.

Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố đều thống nhất việc thông tuyến, tăng giá dịch vụ y tế đã tăng quyền lợi của người bệnh, tiếp cận dịch vụ y tế tại tuyến xã, tuyến huyện thuận tiện, các cơ sở y tế tăng chất lượng KCB, chất lượng phục vụ để thu hút nhiều bệnh nhân,… Tuy nhiên, việc thông tuyến huyện cũng dẫn đến số lượt và chi phí KCB BHYT gia tăng mạnh, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế; Việc kiểm soát số lượt KCB thông tuyến, thống kê tổng hợp, phân tích số liệu khó khăn,... và chủ yếu dựa vào hậu kiểm. Các cơ sở KCB tăng thu dung người bệnh vào nội trú do giá tiền ngày giường bệnh cao; kiểm soát các dịch vụ kỹ thuật đặc biệt là phần phẫu thuật, thủ thuật khó do tên dịch vụ kỹ thuật có giá trong Thông tư 37 khó xác định và lượng giá; tiền công khám bệnh tăng,…

Để khắc phục khó khăn, BHXH các tỉnh, TP đưa ra các giải pháp như tăng cường công tác thu, giảm nợ đọng; Tham mưu với UBND tỉnh tăng cường hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng như HSSV, người cận nghèo, hộ gia đình có mức sống trung bình,… Đẩy nhanh việc giám định điện tử; Thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế BV; Thường xuyên thống kê, theo dõi, đánh giá sự gia tăng chi phí để có biện pháp xử lý kịp thời; Từ chối thanh toán đối với các cơ sở y tế có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi,…

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách BHYT tại cả ba địa phương đều nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và được triển khai tốt. Năm 2016, việc thực hiện chính sách BHYT chịu sự tác động của nhiều yếu tố như giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo Thông tư 37, thông tuyến huyện trên địa bàn tỉnh,… dẫn đến việc kiểm soát chi phí KCB BHYT gặp nhiều khó khăn.

Phó Tổng Giám đốc yêu cầu, các địa phương báo cáo đầy đủ tình hình KCB BHYT, an toàn quỹ với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở y tế để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách BHYT.

BHXH các địa phương cần phân tích cụ thể, thấu đáo về mức độ tác động của từng yếu tố nguyên nhân dẫn tới tăng chi phí KCB, chủ động đề ra các giải pháp, chủ động phối hợp với các sở ban ngành tại địa phương cùng vào cuộc, kiểm soát tốt chi phí BHYT, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi KCB BHYT. Kiên quyết từ chối thanh toán đối với các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng quỹ BHYT.

Nguồn Website BHXH VN