Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành BHXH đến năm 2020, định hướng 2030

01/03/2016 07:12 AM


Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


 

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh và đại diện Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng năng lực cán bộ thực hiện chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2016-2020. Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của hội nhập quốc tế là phát huy tối đa nguồn lực và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam bền vững, hiệu quả, hiện đại; xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chính sách về BHXH, BHYT phù hợp với các chuẩn mực, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 là: Góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020 có 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp, 50% tham gia BHXH và trên 80% tham gia BHYT; tiến tới BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hoàn thiện chính sách và đảm bảo thực thi chính sách BHXH, BHYT cho người lao động trong các hiệp định song phương và đa phương theo lộ trình; huy động thêm nguồn lực, kinh nghiệp quốc tế nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH, BHYT cho người dân; góp phần thu hẹp khoảng cách với các nước khu vực trong lĩnh vực BHXH, BHYT; tham gia ký kết các hiệp định quốc tế trong lĩnh vực BHXH, BHYT và tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng mô hình quản lý, quy trình nghiệp vụ, thủ tục hồ sơ hiện đại, thuận lợi, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.

Mục tiêu định hướng đến năm 2030 là hoàn thiện mô hình quản lý BHXH hiện đại, phù hợp với xu hướng của thế giới, bối cảnh dịch chuyển lao động toàn cầu, sự thay đổi nhân khẩu học và phục vụ tốt hơn nhu cầu tham gia và thụ hưởng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT phù hợp với các điều ước quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHYT và tương đồng với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành BHXH cũng đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cho từng giai đoạn và lĩnh vực. Trong đó, xác định hợp tác và hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2030, đưa các mối quan hệ quốc tế về BHXH, BHYT đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn định. Triển khai các chương trình hợp tác quốc tế hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực. Mở rộng quan hệ với các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hiệp hội, tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và quốc tế. Tăng cường mở rộng hợp tác với các khu vực trên thế giới, Châu Âu (EU), Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Phi; tất cả công dân Việt Nam, bao gồm các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài được đảm bảo các chế độ BHXH, BHYT đầy đủ và thuận lợi.

Các giải pháp được đưa ra như: Về chính sách, nghiên cứu, đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế song phương về thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các quốc gia phái cử lao động sang làm việc tại Việt Nam và quốc gia nhận lao động Việt Nam, trước mắt tập trung đàm phán, ký kết thỏa thuận với các quốc gia tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam; tham gia và hoàn tất phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các công ước của Liên hiệp quốc về lao động, việc làm, BHXH, BHYT; đề xuất và đưa ra các biện pháp xử lý các vấn đề về lao động di trú, đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động và BHXH, BHYT; hoàn thiện cơ chế nhằm chủ động và tạo thuận lợi cho hợp tác và hội nhập quốc tế về BHXH, BHYT; bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách BHXH, BHYT phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập theo hướng hiện đại, tương đồng với các quốc gia trong khu vực và thế giới; đến năm 2030, tham gia và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế về BHXH, BHYT, ký kết các Hiệp định song phương về BHXH, BHYT với toàn bộ các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ quan nhận nhiều lao động Việt Nam đến làm việc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Giải pháp về thông tin truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội cho cán bộ ngành BHXH và toàn xã hội; in ấn, phát hành tài liệu, phim, ảnh, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT của Việt Nam đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và các cá nhân, tổ chức nước ngoài; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và thành tựu phát triển về mọi mặt của đất nước nói chung và của ngành BHXH nói riêng trên các kênh truyền thông như: các bản tin, tạp chí, báo mạng và các kênh truyền hình của Trung ương bằng nhiều thứ tiếng; đăng cai tổ chức và tích cực tham gia các diễn đàng, hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực an sinh xã hội nhằm tuyên truyền đối ngoại, tăng cường hội nhập và nâng cao vị thế quốc tế của ngành BHXH; năm 2016, xây dựng và đưa vào sử dụng phiên bản tiếng Anh tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của ngành BHXH cung cấp tin tức, thông tin cập nhật về chính sách chế độ BHXH, BHYT và hoạt động của ngành BHXH cho người nước ngoài và hỗ trợ các giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan BHXH.

Ngoài ra, Chiến lược cũng đưa ra một số giải pháp khác như: Giải pháp về tổ chức, bộ máy hoạt động; về xây dựng nguồn nhân lực; về tài chính và cơ sở vật chất...

Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành BHXH, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các địa phương, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Trong đó, BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH, BHYT; chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao xây dựng các chương trình, ấn phẩm về thông tin đối ngoại về ngành BHXH; chủ động tích cực tham gia vào các cơ chế hội nhập quốc tế về BHXH, BHYT; đề xuất ký kết các điều ước quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHYT; củng cố và kiện toàn bộ máy thực hiện công tác hội nhập quốc tế trong toàn ngành BHXH. Đảm bảo ngân sách chi cho các hoạt động hội nhập quốc tế. Đầu tư cơ sở vật chất và đáp ứng đầy đủ phương tiện cho công tác đối ngoại. Xây dựng và đưa vào sử dụng phiên bản tiếng Anh tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược hàng năm, tổ chức sơ kết thực hiện vào năm 2020, tổ chức tổng kết thực hiện Chiến lược vào năm 2030 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn