Chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành BHXH: Đáp ứng yêu cầu đổi mới

01/12/2015 08:27 AM


Những năm qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức, chuẩn hóa nhân sự; đặc biệt là nâng cao đạo đức công vụ, nghề nghiệp và thực hiện chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính thụ động sang phục vụ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hùng Sơn- Trưởng ban Tổ chức- Cán bộ (BHXH Việt Nam) cho biết:

- BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ. Hoạt động nghiệp vụ của Ngành vừa có yếu tố quản lý nhà nước, vừa mang tính sự nghiệp công lập, thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT cho hơn 12,14 triệu người tham gia BHXH và hơn 67 triệu người tham gia BHYT; gắn với công tác quản lý tài chính, thu- chi, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Để thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, NLĐ, đòi hỏi ngành BHXH phải có đội ngũ CCVC đủ về số lượng, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ cao. Điều đó đặt ra công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cũng như công tác cán bộ phải đặc biệt được coi trọng…

* PV: Ngành BHXH ngày càng được kiện toàn, tăng cường đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ông có thể nói rõ hơn đặc điểm quy mô nhân sự của ngành BHXH hiện nay?

- Ông LÊ HÙNG SƠN:

Từ khi được thành lập (năm 1995), ngành BHXH đã trải qua 3 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Đến nay, tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, đội ngũ CCVC được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, trong giai đoạn 3 (từ năm 2008 đến nay) đã có những đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành BHXH. Theo đó, BHXH Việt Nam tiếp tục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc gồm 3 cấp, với 16 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 63 BHXH cấp tỉnh và 707 BHXH cấp huyện, với tổng số 18.816 CCVC. Trong đó, số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 3.523 người.

Về trình độ học vấn, toàn Ngành đã có 15.005 người có trình độ ĐH và trên ĐH; 700 người có trình độ CĐ; 3.111 người có trình độ trung cấp và sơ cấp. Về trình độ lý luận chính trị, toàn Ngành có 988 người có trình độ cao cấp; 2.084 người có trình độ trung cấp. Về trình độ quản lý nhà nước, có 34 người giữ ngạch chuyên viên cao cấp; 952 người giữ ngạch chuyên viên chính; 15.005 người giữ ngạch chuyên viên và 2.825 ngạch cán sự. Về giới tính có 11.555 người là nữ và về độ tuổi trung bình khoảng 32 tuổi.

Như vậy, có thể thấy, nguồn nhân lực của BHXH Việt Nam hiện nay có trình độ khá cao; cơ cấu nguồn nhân lực trẻ là những điều kiện nền tảng để Ngành phát huy sức mạnh trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ nhân lực trẻ thường thiếu kinh nghiệm, không thích làm việc cố định một nơi; trong điều kiện cơ chế chính sách về tiền lương, thu nhập chưa đủ sức hấp dẫn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, đòi hỏi BHXH Việt Nam phải có chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân lực hợp lý.

* Nhu cầu nhân lực của ngành BHXH đến năm 2020 chắc chắn sẽ tăng mạnh do số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng mở rộng, đối tượng hưởng chính sách tăng nhanh. Vậy, chiến lược phát triển nguồn nhân lực Ngành như thế nào, thưa ông?

- Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực BHXH Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó, ngày 11/5/2012, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký Quyết định số 445/QĐ-BHXH phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực của Ngành, trong đó nêu rõ những yếu tố tác động cũng như mục tiêu, quan điểm và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT.

Với việc gia tăng số người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như trên, BHXH Việt Nam dự tính nhân lực của Ngành sẽ tăng hằng năm từ 7- 9%. Như vậy, đến năm 2020, toàn Ngành cần khoảng 30.000 người; trong khi biên chế hiện tại được phê duyệt có 18.816 người làm chuyên môn nghiệp vụ. Trong năm 2011, BHXH Việt Nam là cơ quan đầu tiên trong các bộ, ngành ở Trung ương xây dựng Đề án “Xác định vị trí việc làm và cơ cấu CCVC theo ngạch của ngành BHXH” và đã được Bộ Nội vụ phê duyệt; trong đó, đã xây dựng danh mục 240 vị trí việc làm từ Trung ương đến địa phương. Theo Đề án này, tính đến thời điểm 30/6/2015, toàn Ngành còn thiếu gần 7.000 biên chế làm chuyên môn nghiệp vụ.

Tuy nhiên, do xác định được tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong giai đoạn hiện nay, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của Ngành; cải tiến các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục, trong thủ tục giảm hồ sơ, trong từng hồ sơ cắt giảm nội dung chi tiết; đẩy mạnh việc triển khai giao dịch điện tử; thực hiện tin học hóa trong giám định và thanh toán KCB BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện các nội dung trên, theo tính toán, Ngành chỉ còn thiếu khoảng 3.500 người theo vị trí việc làm (giảm 50% so với dự tính ban đầu).

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã xác định nhu cầu trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể: Đến năm 2020, số CCVC toàn Ngành có trình độ trên ĐH chiếm tỉ lệ 5% (hiện tại là 3%); còn lại cơ bản có trình độ ĐH, CĐ. Đồng thời, hằng năm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho khoảng 40% CCVC trong toàn Ngành…

* Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là việc không dễ. Theo ông, BHXH Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể nào để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ ngày một tăng?

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đã khẳng định, BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nghị quyết cũng yêu cầu: “Kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp để thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng. Nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH, BHYT”.

Do đó, BHXH Việt Nam đã xác định phải quán triệt nghiêm túc quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Phát triển nhân lực ngành BHXH là trọng tâm trong Chiến lược phát triển của ngành BHXH đến năm 2020. Chính vì vậy, theo tôi, BHXH Việt Nam cần phải phát huy được thế mạnh của từng đơn vị, địa phương; đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, toàn diện, khả thi, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực CCVC hiện có; bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội đất nước.

Trên cơ sở đó, triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ CCVC để họ tiếp cận được trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến trên thế giới; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường khả năng liên thông, liên kết giữa các bậc học, chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực.

Đặc biệt, cần chú trọng giữ và thu hút nhân tài, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao; kiến nghị Nhà nước sửa đổi cơ chế đãi ngộ cho phù hợp với đặc thù của Ngành; chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, từng bước cụ thể hóa việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các nhiệm vụ hàng ngày của từng cá nhân. Cụ thể như: Cán bộ làm công tác thu, phát triển đối tượng phải nắm vững địa bàn, nâng cao khả năng thuyết phục đối với đơn vị khi vận động phát triển đối tượng, sâu sát cơ sở, DN được giao chuyên quản, phải là cầu nối giữa chính sách của Đảng, Nhà nước với NLĐ; cán bộ làm công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phải đổi mới phong cách phục vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân; coi việc của tổ chức, cá nhân là việc của mình để tận tâm giải quyết; biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của khách đến giao dịch để cải tiến quy trình, trả kết quả đúng hạn; với cán bộ làm công tác nghiệp vụ giải quyết chế độ chính sách BHXH và giám định chi phí KCB BHYT, phải tích cực nghiên cứu, nắm vững các quy định của chính sách để cải cách TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết, xử lý đúng người, đúng phạm vi mức độ quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân…

Cũng cần khẳng định rằng, việc phát triển nguồn nhân lực ngành BHXH là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là phải có tính chiến lược lâu dài. Do đó, BHXH Việt Nam cũng cần phải đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các đơn vị trong toàn hệ thống về vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng CCVC; có cơ chế đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp một cách khoa học, hợp lý, phù hợp. Dùng tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập chính đáng làm đòn bẩy, kích thích tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Có cơ chế khuyến khích trong quản lý, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, phải gắn kết với những mục tiêu chung của đất nước, nhất là mục tiêu phát triển con người và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn baobaohiemxahoi.vn