Hiệu quả từ công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực BHXH

03/11/2015 07:44 AM


Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải cách TTHC theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, công tác cải cách TTHC của Ngành BHXH đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

CCHC 031115 03.jpg

NLĐ tra cứu thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo BHXH Việt Nam, để thực hiện hiệu quả cải cách TTHC, trong thời gian qua toàn Ngành đã rất nỗ lực, đồng thời luôn cầu thị, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, nên đã đạt kết quả rõ rệt. Cụ thể, Ngành đã tham gia xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn; rà soát, đơn giản hóa các TTHC; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; ứng dụng CNTT; phối hợp, liên thông trong giải quyết TTHC giữa các cơ quan nhà nước với nhau; tuyên truyền, công khai minh bạch TTHC; tổ chức cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”...

Đối với công tác tham gia xây dựng Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng pháp luật về BHXH, BHYT. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, BHXH Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến để các quy định pháp luật sát với thực tiễn. Những giải pháp, sáng kiến của Ngành đã giúp tạo thuận lợi và tiết kiệm tối đa thời gian cũng như tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân trong việc giao dịch với cơ quan BHXH. Những đóng góp này của Ngành đã được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao.

Trên cơ sở rà soát, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-BHXH và Quyết định số 959/QĐ-BHXH để cắt giảm hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện của tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết , chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cụ thể: đã cắt giảm từ 115 TTHC xuống còn 33 TTHC; giảm 56% số lượng hồ sơ; giảm 82% chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 78% quy trình, thao tác thực hiện. Đồng thời, quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để DN lựa chọn (giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…); chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc theo hướng phục vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng quan tâm đầu tư ứng dụng CNTT, thực hiện tin học hóa trong quản lý, giải quyết các chế độ chính sách, giúp các đơn vị tham gia BHXH hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ (có thể nộp hồ sơ 24/24 giờ, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ). Đồng thời, đang tiến hành thí điểm triển khai kết nối, giám định chi phí KCB tại 3 tỉnh, thành phố; tiến tới sẽ triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố còn lại, nhằm phục vụ công tác quản lý chi trả và thanh toán chi phí KCB BHYT trong toàn quốc.

Về kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm số giờ giao dịch, theo BHXH Việt Nam, hiện toàn Ngành vẫn đang nỗ lực triển khai nhằm cắt giảm thời gian, chi phí với không chỉ DN, mà tất cả các tổ chức, cá nhân. Cụ thể như: Đối với DN, dự kiến sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, BHXH Việt Nam sẽ giảm được 290 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm (do một số quy trình phải chờ khi Luật có hiệu lực mới thực hiện, nên kết quả giảm giờ sẽ được thể hiện sau ngày 1/1/2016). Đối với cá nhân, Ngành đã bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ, qua đó tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho cá nhân và xã hội.

CCHC 031115 01.jpg

Thực hiện cải cách TTHC sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Thời gian tới, toàn Ngành sẽ phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ như: Tiếp tục chỉ đạo sát sao, kiểm tra, theo dõi BHXH các địa phương trong việc thực hiện các văn bản về cải cách TTHC; rà soát, cắt giảm các TTHC thuộc thẩm quyền; triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động của Ngành; chú trọng giáo dục đạo đức công vụ, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan nhà nước trong thực hiện TTHC về BHXH, BHYT; tổng kết cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” và triển khai ứng dụng các sáng kiến trong hoạt động của Ngành… Trên cơ sở các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam cũng đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015 đạt chỉ tiêu trên 90% đơn vị thực hiện TTHC qua giao dịch điện tử (số còn lại thực hiện qua dịch vụ bưu chính).

Để công tác cải cách TTHC đạt hiệu quả cao, ngoài nỗ lực của hệ thống BHXH,  rất cần có sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Đặc biệt, cần phải có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Quốc hội và Chính phủ để BHXH Việt Nam hoàn thành mục tiêu tin học hóa và hiện đại hóa toàn ngành BHXH; UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các sở, ban, ngành phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH thực hiện cơ chế liên thông về BHXH, BHYT. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân cũng cần tích cực phối hợp, chung tay cùng BHXH Việt Nam thực hiện tốt công tác cải cách TTHC...

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn