Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thảo luận Báo cáo Giám sát thực hiện chính sách BHYT và dự thảo Luật BHYT sửa đổi
04/10/2013 04:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nằm trong nội dung chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 06, sáng ngày 25/9 Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội họp thảo luận dự thảo Báo cáo kết quả giám sát thực hiện Luật BHYT 2009-2012 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì cuộc họp.
Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội cho thấy chính sách BHYT đã đạt được nhiều kết quả trong giai đoạn 2009 – 2012. Số đối tượng tham gia BHYT đã tăng 9,24 triệu so với thời điểm trước khi có Luật BHYT; tính đến hết năm 2012 có khoảng 59,3 triệu người tham gia BHYT, chiếm gần 67% dân số cả nước (năm 2009 chỉ có 58,2% dân số tham gia BHYT. Khoảng 70% đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chiếm 42% so với tổng số phải thu BHYT, trong đó chủ yếu hỗ trợ các đối tượng người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, trẻ em dưới 06 tuổi…Số thu BHYT tăng nhanh qua các năm, từ 13.037 tỷ đồng (2009) tăng lên 40.237 tỷ đồng (năm 2012). Số chi BHYT cũng tăng từ 15.481 tỷ đồng (2009) lên 35.584 tỷ đồng (năm 2012). Một số hạn chế cũng được Báo cáo giám sát nêu rõ như: phát triển đối tượng tham gia BHYT tự nguyện còn chậm, nhiều tỉnh chưa có ngân sách hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo, công tác khám, chữa bệnh BHYT tại nhiều cơ sở y tế còn nhiều hạn chế gây bức xúc cho người dân….
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đã trình bày dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo đó dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 20/52 điều của Luật BHYT, từ Chương I đến Chương IX. Một số điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung như: quy định BHYT là hình thức bắt buộc (Luật cũ quy định “các đối tượng có trách nhiệm tham gia”); bổ sung khái niệm “hộ gia đình tham gia BHYT”; quy định 05 nhóm đối tượng theo trách nhiệm đóng BHYT (nhóm người lao động và người sử dụng lao động, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm ngân sách nhà nước đóng, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, nhóm tự đóng). Về xử lý vi phạm, dự thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: trong trường hợp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT cho người lao động, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi mức hưởng BHYT của người lao động (Điều 49). Một số nội dung liên quan đến thẻ BHYT; mức hưởng BHYT; tạm ứng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; trách nhiệm của các bên liên quan đến BHYT cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo.
Các đại biểu đã cho ý kiến đóng góp nội dung dự thảo Báo cáo giám sát thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2009 – 2012 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Về nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, một số đại biểu băn khoăn về quy định hình thức đóng BHYT theo hộ gia đình, quy định mức đồng chi trả BHYT của đối tượng thuộc hộ nghèo, công tác phối hợp thực hiện Luật BHYT, tuyên truyền Luật của các cơ quan liên quan…Nhiều đại biểu tán thành bổ sung khoản 7 Điều 2 quy định về hình thức đóng BHYT của hộ gia đình, tuy nhiên các đại biểu cũng nêu ý kiến không nên quy định “các thành viên trong gia đình tham gia BHYT phải sống trên cùng một địa bàn hành chính.” Quy định này khó thực hiện, và sẽ làm giảm quyền lợi của người dân. Về mức đồng chi trả BHYT của người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội nhận được 02 luồng ý kiến khác nhau từ các đại biểu. Một số đại biểu đồng ý giữ mức đồng chi trả BHYT của các đối tượng này, trong khi một số khác nêu ý kiến nên bỏ quy định đồng chi trả.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Nguyễn Minh Thảo phân tích sâu một số vấn đề liên quan đến việc phát triển mở rộng đối tượng, quy định về danh mục kỹ thuật dịch vụ y tế được thanh toán BHYT, vấn đề sử dụng phần kết dư Quỹ BHYT tại các địa phương…Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng mức hỗ trợ tham gia BHYT của các đối tượng, chuyển ngân sách nhà nước từ việc hỗ trợ trực tiếp cho ngành y tế sang hỗ trợ cho các đối tượng thamgia BHYT. Qua đó đảm bảo mở rộng đối tượng theo đúng lộ trình BHYT toàn dân, đồng thời đảm bảo cân bằng được Quỹ BHYT.
Thay mặt Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, việc thực hiện Luật BHYT trong thời gian qua vẫn còn hạn chế xuất phát từ giá dịch vụ y tế thấp, xã hội hoá y tế chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng vượt tuyến, quá tải bệnh viện xảy ra nhiều. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế nói trên đồng thời quy định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đoàn thể, các cấp uỷ chính quyền trong việc thực hiện chính sách BHYT.
Kết luận buổi họp, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT. Một số nội dung sửa đổi cần có sự xem xét thận trọng hơn như vấn đề sử dụng quỹ kết dư, cơ chế tài chính để mở rộng diện bao phủ và thực hiện chính sách BHYT
Đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh, Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách BHYT giai đoạn 2009 -2012 cần tiếp tục được rà soát, bổ sung các nội dung chi tiết trước khi được trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...