Sớm nhân rộng các mô hình hay về cải cách thủ tục hành chính
17/10/2023 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 16/10, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ hai hội nghị chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) tại các bộ, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp tại điểm cầu UBND TP.Hồ Chí Minh.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến, kết nối đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh tham dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, đây là phiên họp thứ hai của Tổ công tác cải cách TTHC. Tổ công tác đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải cách hành chính vì TTHC được cải cách và ngày càng đơn giản, hiệu quả hơn sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi và thúc đẩy phát triển về mọi mặt. Phiên họp lần này tập trung lắng nghe kết quả cải cách TTHC và nêu những mặt còn hạn chế, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành, địa phương lần lượt đạt 22,48% và 38,94% (cùng kỳ 2022 đạt 8,78% và 13,14%). Việc chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ đạt 38,84%). Qua đó, góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành như dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe...
Thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành, 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng cộng đã có 1,2 tỷ trường hợp tra cứu, 536 trường hợp đồng bộ thông tin công dân, 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định. Việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Trên cơ sở kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành và địa phương cần triển khai ngay giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công…
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách TTHC, phân cấp, phân quyền; rà soát sửa đổi, hoàn thiện quy định; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, quản lý công bố, công khai TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm; khó khăn vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp đổi mới cải cách TTHC. Các đại biểu chỉ ra, chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện nhưng chưa đáng kể; còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm...
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, công tác cải cách TTHC tại Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do Thành phố có khối lượng hồ sơ lớn, còn có nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật hành chính, sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của người đứng đầu cơ quan hành chính.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch cải cách TTHC đến cuối năm 2023, trong đó, xác định 32 nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể, phấn đấu đến cuối năm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cải cách TTHC Chính phủ chỉ đạo. Thành phố ban hành Chỉ thị để giải quyết thủ tục hành cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết trong nội bộ sở, ngành, địa phương.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận công tác cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả bước đầu. Dù chưa được như mong muốn nhưng kết quả này đã khích lệ để chúng ta có thể nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới. Nổi lên là có những mô hình, cách làm của một số địa phương rất hay. Thường trực Tổ công tác và các địa phương nhanh chóng học tập, nhân rộng.
Đánh giá nhiều việc chưa đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, từng cấp, ngành phải xem đây là việc quan trọng, tập trung triển khai các giải pháp đổi mới thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, bởi nơi nào người đứng đầu quan tâm nơi đó kết quả tốt, tích cực và ngược lại. Do vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm. Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương rà soát quy trình cũ, xây dựng quy trình mới thực sự minh bạch, tránh phát sinh thủ tục rườm rà, không cần thiết. Mỗi địa phương, bộ, ngành phải có sự linh hoạt trong thực hiện TTHC, đặc biệt là xếp thứ tự ưu tiên cái nào trước, cái nào sau, bởi chúng ta không đủ nguồn lực và thời gian để làm cùng một lúc tất cả mọi việc.
Lãnh đạo Chính phủ thống nhất nguyên tắc cắt giảm dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong khoảng 3 năm nay, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát trong bộ hàng trăm thủ tục, cái nào không hiệu quả thì cắt giảm; thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp kịp thời hoàn chỉnh nội dung công việc.
PV
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...