Chỉ có hơn 11% trẻ em toàn tỉnh biết bơi
27/07/2023 08:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là số liệu được đưa ra tại hội thảo đánh giá thực trạng và giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tổ chức trực tuyến vào chiều ngày 26/7, do đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Tham dự hội thảo, tại điểm cầu UBND tỉnh, có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Lao động - Thương binh - Xã hội, Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và môi trường, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội LHPN và Hội Nông dân. Ngoài ra, còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tại 12 điểm cầu.
Theo báo cáo tại hội thảo, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đều đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn; hướng dẫn các địa phương cơ sở triển khai các giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường giám sát, kiểm tra các ao, hồ, sông suối, khu vực có nguy cơ cao để cắm biển cảnh báo; vận động hộ gia đình cam kết làm rào chắn ao, hồ tưới tiêu nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn và tử vong do đuối nước...
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em cho cán bộ ngành TDTT; cán bộ Đoàn - Hội - Đội ở cơ sở; giáo viên; cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em; nhân viên cứu hộ của các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục - thể thao, thu hút gần 2.000 học viên tham gia; tổ chức 50 giải dành riêng cho học sinh; phát động toàn dân tập luyện môn bơi năm 2023 (cấp quốc gia) thu hút hơn 5.000 học sinh tham gia. Mặt khác, triển khai mô hình "Phao an toàn cho em", trao 1.300 phao tay cho trẻ em; tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước thu hút hơn 5.000 lượt thanh thiếu nhi, học sinh tham gia; triển khai mô hình Hộp thư thân thiện với tên gọi “ Điều em muốn nói ”, lắng nghe ý kiến của trẻ em tại 388 Liên đội; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp...
Trong giai đoạn 2021-2023, đã tổ chức được 1.475 lớp dạy bơi với 40.956 trẻ em được học bơi; 1.921 lớp dạy kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước với tổng số trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 155.031 trẻ.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ trẻ em biết bơi chiếm tỷ lệ 11,08 % /số trẻ em toàn tỉnh; tình trạng đuối nước trẻ em vẫn tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2021 đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 89 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, cụ thể, năm 2021 là 30 trẻ; năm 2022 là 39 trẻ và từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2023, có 20 trẻ bị đuối nước. Trong đó, số trẻ đuối nước tử vong tại các ao, hồ tưới tiêu của hộ gia đình là 14 em, số trẻ đuối nước tử vong tại các ao, hồ, sông ngoài cộng đồng là 72 trẻ và số trẻ đuối nước tử vong do các nguyên nhân khác là 3 trẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn và tử vong do đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ, người chăm sóc trẻ, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ..., sự bất cẩn, chủ quan, thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em của những người chăm sóc, trông nom trẻ nhỏ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là về bố trí, huy động các nguồn lực cho công tác này.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm S cho rằng, cần xác định nhiệm vụ phòng chống đuối nước trẻ em là trách nhiệm liên ngành. Đặc thù của đuối nước là không phân biệt thời gian nên công tác phòng, chống đuối nước cũng phải thường xuyên được chú trọng.
Các sở ngành cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ để đề ra kế hoạch, các giải pháp sát thực, nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phấn đấu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ tử vong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND các địa phương cũng cần nắm số lượng trẻ em trên địa bàn là bao nhiêu, trong số này, bao nhiêu trẻ biết bơi?... Từ đó, tăng cường lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước trên địa bàn, trước mắt là từ nay đến cuối năm 2023.
Đồng chí cũng đề nghị các địa phương tùy theo tình hình thực tế vận động xã hội hóa, nhằm trang bị cơ sở vật chất, kỹ năng bơi cho các em. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Lâm Đồng tăng cường tuyên truyền, cảnh báo rủi ro tại các công trình ao, hồ, đập... có nguy cơ xảy ra đuối nước; đồng thời, tuyên truyền các mô hình hay, mô hình xã hội hóa hiệu quả trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em...
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...