Gam màu sáng trong ''bức tranh'' nông nghiệp Di Linh

19/08/2022 12:55 PM


Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha. Đây thật sự là những điểm sáng tiêu biểu và đang ngày càng lan toả khắp các địa phương trên địa bàn huyện. 
 
Bộ mặt nông thôn của các xã vùng sâu Di Linh ngày càng khởi sắc nhờ phát triển các mô hình hiệu quả.
Bộ mặt nông thôn của các xã vùng sâu Di Linh ngày càng khởi sắc nhờ phát triển các mô hình hiệu quả.
 
• VÙNG SÂU PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
 
Mô hình trồng cà chua công nghệ cao trong nhà kính của gia đình ông Mai Duy Hinh (Thôn 3, xã Hoà Bắc) được xem là một mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Gặp chúng tôi trong khu nhà kính hiện đại của gia đình, ông Hinh khoe, chỉ mới trồng được 2 năm mà thu nhập được hơn 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí, chẳng mấy chốc thu hồi lại vốn đầu tư. Ông Hinh tâm sự: “Cũng như nhiều hộ nông dân khác, lúc đầu tôi trồng cà phê, theo năm tháng, cà phê già cỗi, hiệu quả thấp nên tìm cách thay đổi. May mắn, nhà tôi có con trai tu nghiệp tại đất nước Israel, hiện tại đã về nước và đang làm kỹ sư cho công ty nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Thế là, con khuyên tôi tham gia vào chuỗi trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi nghĩ nên thử xem sao, không ngờ cách này mang lại hiệu quả. Qua đó, tôi vay mượn 800 triệu đồng đầu tư 2 sào nhà kính và hệ thống tưới bằng công nghệ Israel… để trồng cà chua Beef”. 
 
Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Hinh chủ yếu là cắt tỉa và thu hoạch, còn những khâu khác hầu như đã được tự động hoá. Việc sản xuất trong nhà kính giúp nâng cao được năng suất cây trồng gấp 15 lần so với bình thường, hiện tại, từ 3.000 gốc, gia đình ông Hinh đã thu 21 tấn quả, giá bán tại vườn là 30.000 đồng/kg. Tất cả sản phẩm được liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã rau sạch tại Đà Lạt. Được đà phát triển, gia đình ông Hinh tiếp tục đầu từ thêm 2 sào nhà kính nữa để trồng rau màu công nghệ cao.
 
Ông Ngô Đại Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Bắc cho biết, ở xã Hoà Bắc, mặc dù là xã vùng sâu nhưng rất nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó điển hình có mô hình của gia đình ông Hinh. Đây là khu vườn nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của xã được xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cho nông sản. Qua đó, xã đã khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết, hợp tác, phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao KH-KT và các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất cho người dân. 
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh, hiện huyện có trên 300 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như trồng cà phê, trồng hoa hồng môn, trồng xen các loại trái cây trên vườn cà phê, chăn nuôi bò sữa...
 
 
• TIẾP TỤC HỖ TRỢ NHÂN RỘNG NHIỀU MÔ HÌNH
 
Mặc dù, trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về giá cả nông sản, thời tiết; song vẫn có hàng trăm mô hình sản xuất tiêu biểu, điển hình xuất hiện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Từ đây đã làm gia tăng nhanh giá trị canh tác trên đơn vị diện tích, tạo ra khối lượng sản xuất hàng hoá lớn, đem lại hiệu quả thu nhập cao và đời sống cho người dân. 
 
Đơn cử như, đối với mô hình cà phê, tuy giá có giảm, song một số mô hình cà phê vẫn đem lại hiệu quả cao, vì nông dân có cách làm sáng tạo, sản xuất theo quy trình cà phê VietGAP, kết hợp với chế biến sâu, kết nối với thị trường tiêu thụ như Cà phê Thuần Trịnh (thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc) chỉ với 1 ha cà phê, năng suất đạt 3,5 tấn, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 700 - 800 triệu đồng/ha.
 
Đặc biệt, các mô hình sản xuất trồng xen: sầu riêng, bơ, mắc ca,… đều cho giá trị sản xuất đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Cá biệt có mô hình đem lại hàng tỷ đồng mỗi năm, như mô hình trồng bơ của ông Vũ Công Hoan, Thôn 5, xã Hòa Trung: năm 2004 ông mua giống sầu riêng Dona về trồng xen trên 1 ha cà phê, đến nay đã cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/năm; hộ ông Mai Quang Hợp (Thôn 17, xã Hoà Bắc) trồng sầu riêng xen cà phê khoảng 1,7 ha lợi nhuận thu về xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm; mô hình bơ ghép trồng xen cây cà phê của hộ ông Nguyễn Đức Thống (Thôn 9, xã Hoà Trung), sau 6 năm trồng và cải tạo giống mới, vườn bơ của ông cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha, bên cạnh đó ông đã xin cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP đối với 10 ha, hoàn thiện hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm để bán tại siêu thị, khách sạn và mở hướng xuất khẩu… Trong lĩnh vực chăn nuôi, thì mô hình chăn nuôi bò sữa được đánh giá đem lại hiệu quả khá cao và có tính bền vững, vì đầu ra được Công ty Vinamilk bao tiêu.
 
Ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, thời gian qua, Nông nghiệp Di Linh đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng và đạt khá cao, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch; đặc biệt trong thời gian qua đã có nhiều mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế. 
 
Có được kết quả đó là nhờ huyện đã tập trung phát triển mạnh và nhân rộng các mô hình là trang trại, hợp tác xã thành những mô hình điểm có quy mô sản xuất hàng hoá, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, thống nhất quy trình sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận, đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc; thực hiện sản xuất gắn với tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung xây dựng, phát triển một số mô hình trọng điểm, có tính chất đột phá về quy mô, công nghệ, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi ở lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời, từ những mô hình này có thể kết nối với các mô hình vệ tinh khác trên địa bàn, tạo thành các chuỗi mô hình sản xuất một cách đồng bộ, khép kín, đem lại hiệu quả cao.
 
Ông Khá cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện Di Linh đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để nhân rộng và phát triển bền vững, hiệu quả các mô hình gồm: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP, Hữu cơ; Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ mô hình; Hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm (rang xay chế biến cà phê), kho bảo quản đối với trái cây…; Ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng mô hình nhà lưới, nhà kính, tưới tự động, quy trình tưới, chăm sóc (bón phân, phun thuốc) tự động; Hỗ trợ chuyển đổi số ứng dụng các phần mềm về quản lý, chăm sóc, kiểm soát quá trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm theo công nghệ 4.0; Thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; Xây dựng mã vùng trồng, định danh sản phẩm. Để từ đó, nhân rộng nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần làm cho bức tranh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Di Linh ngày càng khởi sắc.
 
HOÀNG YÊN

Báo Lâm Đồng