Ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh

23/11/2015 03:33 AM


Trong nhiều năm qua, ngành y tế luôn quan tâm, đầu tư và nghiên cứu, phát triển những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh. Điều này không chỉ góp phần cứu chữa, giảm chi phí cho bệnh nhân, giảm tải cho bác sĩ, bệnh viện mà còn khẳng định vị thế y khoa Việt Nam trên trường quốc tế.

Giảm chi phí, tăng chất lượng

Để giúp bệnh nhi được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, đầu năm 2015, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa vào hoạt động Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa có ứng dụng robot. Đây là cơ sở y tế đầu tiên trong nước có trung tâm ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi bằng robot và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á, thứ 2 của châu Á có trung tâm kiểu này.

PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện cho biết, thực ra từ tháng 2.2014, Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật trên và đến nay đã cứu sống gần 100 bệnh nhi mắc các chứng bệnh phức tạp, tất cả đều không để lại biến chứng. Đặc biệt, việc triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi là điều kiện để các bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm quốc tế, đồng thời phát triển được các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó giải quyết các bệnh lý phức tạp. Phương pháp này cũng khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật nội soi thông thường. Robot phẫu thuật hiện đã phát triển đến thế hệ thứ tư, với bốn cánh tay thao tác, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 580 độ. Nhờ có hình ảnh không gian ba chiều, phẫu thuật viên có thể quan sát sâu hơn, chính xác hơn so với hình ảnh hai chiều của phẫu thuật nội soi quy ước. Với các khớp di động linh hoạt, robot thực hiện tốt các động tác quay ngược cổ tay 180 độ (người thường và thiết bị mổ nội soi quy ước không thực hiện được). Do đó, nó có khả năng luồn sâu vào các phần nhỏ nhất của cơ thể một cách dễ dàng và chính xác.

CNTT KCB 231115.jpg

Nguồn: kcb.vn

Phương pháp này không chỉ đem lại hiệu quả chính xác trong phẫu thuật mà còn giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí trong khám, chữa bệnh. Bởi nếu ở nước ngoài, giá cho một ca phẫu thuật nội soi có hỗ trợ robot khoảng 600 triệu đồng, thì ở Việt Nam chỉ tốn khoảng 50 - 70 triệu đồng, ngang với chi phí một ca nội soi thông thường. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, phẫu thuật bằng robot giúp bác sĩ đỡ tốn sức hơn mổ nội soi kinh điển. Phương pháp mới là cơ sở để khẳng định vị thế của phẫu thuật nội soi nhi khoa nước nhà trên trường quốc tế, là nền tảng để Việt Nam phát triển ý tưởng phẫu thuật từ xa, mở ra ứng dụng lớn trong tương lai để thực hiện kỹ thuật cho những vùng địa lý xa xôi, nơi hải đảo, trên tàu thủy... từ các trung tâm y khoa ở các thành phố lớn.

Lợi ích cho nhiều bên

Ngoài ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, trong thời gian qua, ngành y tế từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám, chữa bệnh, đặc biệt trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, công nghệ thông tin đã được bệnh viện ứng dụng tối đa. Từ nhiều năm qua, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện mới đã thay thế cho phần mềm cũ có nhiều bất cập, tạo ra bước đột phá trong quá trình cải cách hành chính, quản lý về tài chính, dược, vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện. Đây còn là công cụ đỡ đầu cho việc triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao, theo dõi bệnh nhân từ xa (telemonitoring), hệ thống lấy số tự động vào khám bệnh, làm xét nghiệm cũng như chờ làm chẩn đoán hình ảnh... Chính việc ứng dụng này đã tạo ra sự thuận lợi cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, làm giảm thời gian khám bệnh. Các bệnh nhân nội và ngoại trú đã được quản lý trên mạng của bệnh viện với mã số riêng giúp cho việc tra cứu các kết quả từ những lần khám trước được nhanh chóng thuận lợi.

Ở địa phương, TP Hải Phòng được lựa chọn là 1 trong 3 nơi triển khai thí điểm việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Theo báo cáo, việc kết nối dữ liệu chạy phần mềm đã được BHXH thành phố phối hợp hoàn thành các nội dung cơ bản, đã kết nối dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT về Bảo hiểm xã hội thành phố. Hàng trăm nghìn hồ sơ khám, chữa bệnh đã được kê khai và chuyển qua mạng về BHXH thông qua phần mềm.

Ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đánh giá, việc ứng dụng CNTT đối với khám, chữa bệnh và BHYT sẽ đẩy lùi tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thanh toán BHYT, giảm phiền hà, hướng tới đem đến sự hài lòng cho người bệnh, cho cộng đồng.

Đồng quan điểm, ông Cao Đức Thoan - Phó giám đốc BHXH Hải Phòng chia sẻ, các thông tin về tình hình KCB-BHYT chuyển về cơ quan quản lý nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, lãnh đạo BHXH thành phố có thể ở bất cứ đâu sử dụng máy tính kết nối internet để kiểm tra số liệu, chi phí của tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, thậm chí kiểm tra thông tin của từng bệnh nhân về khám chữa bệnh BHYT, thay vì phải chờ đến cuối quý mới có số liệu như trước đây, công tác chỉ đạo điều hành trở nên thuận lợi hơn. Rõ ràng, việc kết nối dữ liệu gửi cơ quan BHXH và bệnh viện đem lại thuận lợi rất lớn cho các bên.

Mới đây nhất, ngày 5.11, tại hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 36A/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, hiện có 100% số bệnh viện tuyến trung ương, 68% số bệnh viện tuyến tỉnh và 61% số bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh… Để ứng dụng CNTT hiệu quả, Bộ Y tế sẽ triển khai hình thức thuê doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cho từng phần hoặc thuê trọn gói; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT; Xây dựng Cổng dịch vụ công Bộ Y tế và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cổng dịch vụ công quốc gia…

Theo Báo ĐBND