Luật Dược (sửa đổi): Người dân sẽ được tiếp cận với các loại thuốc chất lượng, giá cả hợp lý

20/11/2015 03:26 AM


Sáng 19/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dược (sửa đổi). Báo cáo cho biết, việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dược sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược.

ttMai 201115.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (Ảnh: Nguồn Internet)

Cần có cơ chế kiểm soát giá thuốc biệt dược, thuốc độc quyền

Về quản lý giá thuốc, bà Trương Thị Mai nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc.

Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc đã rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh, các quy định về giá thuốc của dự thảo Luật cần quan tâm thêm các vấn đề như: Thuốc do quỹ BHYT chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan BHXH - đa số nguồn thông tin về giá thuốc bất hợp lý đều do cơ quan BHXH cung cấp. Trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ KCB không do quỹ BHYT chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Do vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao”.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai cũng cho biết, tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân là việc thiết yếu.

Cần bổ sung chính sách ưu tiên sử dụng thuốc YHCT vào Luật BHYT

Thuoc 201115.jpg

Đưa các bài thuốc quý của lương y về YHCT vào danh mục thanh toán BHYT (Ảnh: Nguồn Internet)

Về phát triển công nghiệp dược, bà Trương Thị Mai cho biết, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung những chính sách chung, chính sách về phát triển công nghiệp dược, trong đó, lựa chọn ưu tiên gồm: sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu, phát triển nguồn dược liệu, sản xuất thuốc generic, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế/độc quyền và vắc xin. Tuy nhiên, một số chính sách ưu tiên còn mang tính định hướng.

Báo cáo cũng nêu rõ, qua 10 năm thi hành Luật Dược, hiện nay thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% tổng số thuốc. Theo số liệu thống kê, năm 2014, bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD cho tiền thuốc và 50% số tiền này dùng để mua thuốc ngoại nhập (chủ yếu giá cao). Tuy có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược/dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), nhưng đa số nhà máy quy mô sản xuất nhỏ và chủ yếu sản xuất thuốc gốc rẻ tiền.

Ngành công nghiệp dược chưa được hưởng ưu đãi đặc biệt (về thuế, đất, vốn). Trong khi đó, nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt nhưng lại chưa có chính sách phù hợp nên chủ yếu dân tự khai thác bán ra nước ngoài.

Dự thảo Luật cần xây dựng các chính sách ưu tiên cụ thể và đủ mạnh để tạo cơ hội cho ngành dược phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu nội địa vừa xuất khẩu, nhất là thuốc YHCT, vắc xin, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Theo đó, cần quy định chặt chẽ việc kiểm tra xuất xứ để đảm bảo chất lượng thuốc nhập khẩu khi có nghi vấn về chất lượng, bổ sung quy định áp dụng cơ chế số lượng nhất định hoạt chất được đăng ký mà ASEAN đã áp dụng trong nhiều năm qua nhằm tạo hàng rào kỹ thuật với các loại thuốc gốc mà Việt Nam đã sản xuất. Đồng thời, bổ sung một số quy định ưu tiên phát triển sản xuất vắc xin, vì so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển thì Việt Nam có thế mạnh về sản xuất vắc xin.

Cạnh đó, để y học cổ truyền (YHCT) thực sự phát triển, kế thừa bài thuốc dân gian, phát triển YHCT theo hướng hiện đại hóa, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi đặc thù đối với dược liệu nhằm sử dụng thuốc nam được thu hái và nuôi trồng tại Việt Nam, hạn chế tình trạng nhiều nguyên liệu làm thuốc cổ truyền dạng thô của Việt Nam bán cho các nước trong khi các bệnh viện YHCT lại nhập dược liệu đã chế biến mà không kiểm soát được chất lượng; Các quy định về đăng ký lưu hành, thử thuốc cổ truyền dân tộc phải theo nguyên tắc hợp lý; Quy định cụ thể việc quản lý, sản xuất và lưu hành thuốc dược liệu, là một trong những trụ cột và thế mạnh của các sản phẩm về dược tại Việt Nam.

Ngoài ra, để tạo thêm động lực, tính khả thi trong thúc đẩy phát triển YHCT và để người dân có điều kiện tiếp cận thuốc YHCT dễ dàng hơn, cần xem xét bổ sung chính sách ưu tiên sử dụng thuốc YHCT vào Luật BHYT, quy định bài thuốc quý của lương y về YHCT thuộc danh mục thanh toán BHYT để nhiều người được sử dụng và duy trì phát triển bài thuốc gia truyền./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn