Quy định về chế độ tử tuất tại Luật BHXH số 58 năm 2014

19/11/2015 09:48 AM


Theo pháp luật về BHXH ở Việt Nam, chế độ tử tuất được thiết lập từ những năm 1950, hình thành sau chế độ hưu trí, tuy nhiên tại thời điểm đó cũng chưa gọi tên là chế độ tử tuất mà gọi là “một khoản trợ cấp” cho công chức chết hay mất tích thì chồng, vợ, các con hoặc cha mẹ có thể được hưởng một khoản trợ cấp tính theo số năm làm việc, mỗi năm được một tháng lương và phụ cấp gia đình và số tiền trợ cấp không quá 06 tháng lương kể cả phụ cấp gia đình. Đến Luật BHXH số 71 năm 2006, chế độ tử tuất được coi là sự hoàn chỉnh căn bản và được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật cao nhất về chế định BHXH. Qua gần 08 năm thực hiện Luật BHXH số 71 năm 2006, ngày 20/11/2014 Luật BHXH số 58 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, thay thế Luật BHXH số 71, trên cơ sở kế thừa những quy định đã có và sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý những quy định còn tồn tại, bất cập, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có một số nội dung được bổ sung, sửa đổi như sau:

NLD 020813.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Trợ cấp mai táng

Bổ sung quy định điều kiện về thời gian tham gia BHXH đối với đối tượng người lao động đang tham gia đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH là “người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên”. So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 chỉ quy định người lao động đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng mà không cần điều kiện về thời gian tham gia BHXH của người lao động bị chết đó.

Đối với chế độ trợ cấp tuất hằng tháng

Điều kiện về đối tượng là thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Thân nhân là “con” được sửa đổi về tuổi hưởng chế độ: Con chưa đủ 18 tuổi theo luật mới thay cho con chưa đủ 15 tuổi theo luật hiện hành; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên theo luật mới thay cho con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên theo luật hiện hành; bỏ nội dung con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học vì đã áp dụng chung mốc tuổi hưởng là con chưa đủ 18 tuổi; bổ sung đối tượng con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai.

Như vậy, mốc tuổi cơ bản của thân nhân là con được lấy mốc 18 tuổi thay cho 15 tuổi theo luật hiện hành và bổ sung đối tượng con khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, mang tính nhân văn, nhân đạo và ý nghĩa xã hội của chính sách pháp luật.

- Thân nhân là “người khác mà đối tượng có trách nhiệm nuôi dưỡng” theo luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung bằng đối tượng là “thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Việc sửa đổi quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế lạm dụng cũng như vướng mắc trong tổ chức thực hiện khi phải xác định như thế nào là đối tượng khác.

- Bổ sung, luật hóa quy định về điều kiện mà đối tượng thân nhân phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở là thu nhập được tính “không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công”.

- Bổ sung, luật hóa quy định về thời hạn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Theo đó, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia BHXH chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị; trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân là con hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.

- Bổ sung quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với trường hợp “khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra”. Nội dung bổ sung này phù hợp với nội dung bổ sung đối tượng thân nhân hưởng tuất hằng tháng nêu trên.

Chế độ trợ cấp tuất một lần

- Sửa đổi quy định quyền lựa chọn của thân nhân người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được lựa chọn nếu có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, nhưng có kèm theo điều kiện “trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”. Việc quy định thân nhân được quyền lựa chọn tuất hằng tháng hoặc tuất một lần nhưng phải đảm bảo điều kiện đối tượng không có thân nhân như nêu trên nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của thân nhân là đối tượng hoàn toàn phụ thuộc, không có khả năng tự lo liệu cho cuộc sống của chính mình. Theo quy định hiện hành thì thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không có sự lựa chọn hưởng tuất một lần.

- Bổ sung quy định trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân theo quy định của Luật BHXH bao gồm con, vợ, chồng, cha, mẹ của vợ, chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có trách nhiệm phải nuôi dưỡng thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ thân nhân là con, vợ, chồng, cha, mẹ của vợ, chồng, người khác mà người tham gia BHXH phải có trách nhiệm nuôi dưỡng mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thuộc diện hưởng trợ cấp tuất một lần và không quy định trường hợp không có thân nhân thuộc hàng nêu trên hưởng trợ cấp tuất một lần thì sẽ xét tiếp theo quy định của pháp luật về thừa kế.

- Sửa đổi quy định về mức trợ cấp tuất một lần tính cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ áp dụng cho thời gian đóng BHXH trước năm 2014 và điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Khái niệm, định nghĩa về thân nhân

Thân nhân theo quy định hiện hành là “con, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội, người khác mà người tham gia bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng”. Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 thân nhân được sửa đổi, bổ sung là “con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Như vậy, đối tượng là thân nhân đã được bổ sung, cụ thể hóa đối tượng là con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi để giúp cho việc tổ chức thực hiện tránh vướng mắc. Đối tượng là người khác theo luật hiện hành cũng được xác định cụ thể hơn đó là thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn