Hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung
10/11/2015 02:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BH hưu trí bổ sung.
NLĐ hưởng lương hưu cao hơn khi về già
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 27 điều đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét và phê duyệt cuối tháng 11. Theo dự thảo Nghị định, đối tượng tham gia BH hưu trí bổ sung là những NLĐ và người SDLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 06 năm 2015, trên cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu bình quân là 3,9 triệu đồng/ người/tháng. Trong đó, có khoảng trên 790 nghìn người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ BHXH.
Luật BHXH hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tối đa là bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, trường hợp người lao động có lương cao hơn thì giới hạn trần đóng BHXH là chưa thuận lợi nếu người lao động có nhu cầu được hưởng lương hưu cao hơn khi về già, tương ứng với mức lương khi họ còn đi làm.
Cùng với nhu cầu của người lao động được thụ hưởng lương hưu cao hơn, một số doanh nghiệp áp dụng chính sách thu hút nhân tài cũng mong muốn có một chế độ đãi ngộ người lao động về khoản lương hưu bổ sung trong tương lai để khuyến khích họ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp.
Tại khoản 7 Điều 3 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật”
Trên thực tế, một số công ty như (Unilever Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam, Nestle Việt Nam...) đã áp dụng hình thức đãi ngộ này thông qua việc trích lập một quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để chi trả lương hưu bổ sung cho người lao động khi họ hết tuổi lao động. Các doanh nghiệp mong muốn có một chính sách của Nhà nước và nhận được sự ưu đãi về thuế nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động, với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra dẫn chứng, trên thế giới hiện nay, rất nhiều nước đặc biệt là các nước phát triển xây dựng chế độ hưu trí đa tầng với các tầng chính là: hưu trí cơ bản (thực hiện bắt buộc, có sự tham gia của người sử dụng lao động, tương tự như chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc ở nước ta), hưu trí bổ sung (bổ sung cho hưu trí cơ bản, có sự tham gia của người sử dụng lao động) và hưu trí tự nguyện (thực hiện hoàn toàn tự nguyện xuất phát từ nhu cầu và khả năng của người lao động và chủ yếu mang tính tiết kiệm, không có sự chia sẻ rủi ro).
Cần có lộ trình và bước đi thích hợp
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội thì: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc.
Có ý kiến cho rằng, đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên không áp dụng chính sách này; việc thực hiện chính sách đối với người lao động (nếu có) sẽ được quy định riêng. Mặt khác, cần cân nhắc việc có hay không quy định đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia vào loại hình này.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Trần Hải Nam cho biết, Ban soạn thảo cũng đang lấy ý kiến cân nhắc việc quy định người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia vào loại hình này. Đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp. Trước mắt, chỉ áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động tham gia BH hưu trí bổ sung phải thông qua người sử dụng lao động.
Dự thảo cũng đề xuất 02 hình thức hưởng hưu trí bổ sung là hưởng hàng tháng và hưởng một lần. Do đây là chính sách hưu trí nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc nên việc chi trả sẽ được thực hiện hàng tháng với thời điểm hưởng và quá trình thụ hưởng sẽ cùng với hưởng lương hưu của BHXH bắt buộc. Người lao động được hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi hưởng lương hưu hàng tháng từ chính sách BHXH bắt buộc (hoặc khi đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đủ điều kiện về thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng) và số tiền tích lũy được trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động đạt một giá trị tối thiểu theo quy định. Trong trường hợp người lao động không đủ điều kiện để hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng theo quy định trên hoặc thuộc một trong các trường hợp theo quy định của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội một lần thì được hưởng bảo hiểm hưu trí bổ sung một lần, cụ thể: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nhưng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn 120 lần mức lương cơ sở; Bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; Ra nước ngoài để định cư.
Để bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH cũng như hạn chế rủi ro, Dự thảo Nghị định cũng quy định tỉ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trong tổng giá trị quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%. Bộ LĐ-TBXH đề xuất Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo những nội dung liên quan đến doanh nghiệp quản lý quỹ, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát, việc đầu tư quỹ, hạch toán, kế toán, chi phí và chế độ báo cáo của các tổ chức tài chính liên quan khi thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng chỉ nên quy định về việc tham gia và đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung trong văn bản thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động chứ không nhất thiết phải trong thỏa ước lao động tập thể để tăng tính khả thi cho quỹ bảo hiểm mới.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước