Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí bổ sung các tội danh vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

04/11/2015 01:20 AM


Ngày 30/10, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, trong chương trình các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); đồng thời thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo đó, vấn đề bổ sung các tội danh vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận của nhiều đại biểu.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đã có 40 đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và có nhiều ý kiến quan tâm, đồng thuận về việc bổ sung các tội danh vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào Bộ luật lần này. Trang thông tin điện tử BHXH Việt Nam trích đăng ý kiến của một số đại biểu về nội dung này.

* Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn:

Về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đợt này trình Quốc hội có nhiều điểm mới trên tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, và đặc biệt trước những yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự thảo đã được lấy ý kiến của Nhân dân và đã thu được những kết quả hết sức quan trọng. Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Cơ quan soạn thảo và nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật theo sự gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 220, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tôi đồng ý với quan điểm bổ sung điều luật mới này, nhằm bảo đảm nghiêm minh, thực thi chính sách, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Với quy định trong dự thảo luật sẽ tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ, tình hình kinh tế khó khăn vừa qua số doanh nghiệp giải thể, thua lỗ, không có lợi nhuận, lợi nhuận ít chiếm số đông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong thủ tục hành chính, các khoản thu, nộp chính thức và không chính thức cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh nên việc duy trì sản xuất, sản xuất có lãi không phải là điều dễ dàng. Theo tôi, cần đánh giá tác động điều luật này, nếu không sẽ diễn ra tình trạng doanh nghiệp không dám thành lập, không dám mở rộng sản xuất. Nhất là các hoạt động thu hút nhiều lao động giản đơn, tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không tạo thêm việc làm cho xã hội khi các hành vi trốn đóng bảo hiểm bị hình sự hóa ở mức độ cao.

Tôi đề nghị cân nhắc mấy điểm: về mức độ hành vi trốn đóng được hiểu là không và đóng không đầy đủ số tiền, số lượng phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên. Cần có sự phân biệt về hai loại mức độ, hành vi không đóng và hành vi đóng không đầy đủ để có những quy định xử phạt khác nhau một cách phù hợp. Hiện trong dự thảo đang quy định đồng nhất hai hành vi này.

Tại Khoản 1, vi phạm 6 tháng sau khi xử phạt hành chính chỉ nên quy định xử phạt bằng hai lần mức đóng. Vi phạm một năm chỉ nên xử phạt bằng ba lần mức đóng và phạt cải tạo không giam giữ đến 6 tháng thay vì trong dự thảo là 2 năm. Thay đổi quy mô số lao động trốn đóng từ 50 người trở lên thay vì mốc 20 người. Với doanh nghiệp số lượng trốn đóng từ 20 đến 50 người, dưới 50 người chỉ nên quy định mức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp rút giấy phép và cấm kinh doanh, không áp dụng hình phạt cải tạo và hình phạt tù. Đề nghị cũng điều chỉnh điều này tương thích với Điều 201 về tội trốn thuế.

* Đại biểu Danh Út - Kiên Giang:

Luat HS 031115.jpg

Đại biểu Danh Út phát biểu về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). (Nguồn ảnh: Internet)

Cơ bản tôi tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi. Tôi tham gia góp ý như sau: Về tội chốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tôi cho rằng việc quy định này rất cần thiết, đảm bảo lợi ích cho NLĐ, do đó tôi nhất trí bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vào Bộ luật Hình sự sửa đổi như Chính phủ đã trình.

Tuy nhiên, việc quy định từ 6 tháng trở lên đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là quá dài. Tôi đề nghị không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 3 tháng trở lên là bị trách nhiệm hình sự .

* Đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai:

Tôi bày tỏ đồng tình với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự án luật đã quan tâm bổ sung, nhiều nội dung từ ý kiến góp ý của nhân dân, của các đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 9, kể cả Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Để góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét một số vấn đề cụ thể sau:

Một, tôi đề nghị bổ sung quy định chủ thể của tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp ở Điều 215 và tội gian lận BHYT Điều 216, đối với pháp nhân. Bởi lẽ, tôi cho rằng pháp nhân là đơn vị sử dụng lao động, là cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, trong thực tế đã xảy ra các hành vi phạm tội đã được quy định trong các điều này của dự án luật.

Hai, về quy định số tiền bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp. Điều 215, từ 5 triệu đến dưới 100 triệu mới bị xử lý hình sự với hình phạt tù không tương xứng với dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở Điều 174. Tôi cho như vậy không hợp lý và không có tính khả thi cao. Vì thực chất các hành vi gian dối, lập hồ sơ giả, làm sai lệnh nội dung của hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm là có dấu hiệu của tội lừa đảo. Do vậy tôi đề nghị cần quy định lại mức tiền chiếm đoạt và mức hình phạt nhằm bảo đảm tính khả thi đối với tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp ở Điều 215. Cụ thể tôi đề nghị điều chỉnh lại các quy định ở Điều 215 như sau:

Khoản 1, Điều 215, mức tiền chiếm đoạt nên quy định từ 2 triệu đến dưới 50 triệu. Bổ sung thêm mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm cho phù hợp với các tội có yếu tố chiếm đoạt.

Khoản 2, Điều 215, nâng mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đồng thời bổ sung tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn xảo quyệt gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoản 3, Điều 215, nâng mức khung hình phạt tối đa có thể lên đến 15 năm trong trường hợp mức tiền bảo hiểm chiếm đoạt từ 500 triệu trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

* Đại biểu Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang:

Tôi hoàn toàn nhất trí với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tôi xin có một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:

Đối với việc bổ sung một số tội phạm mới, dự thảo lần này bổ sung, sửa đổi 41 điều, quy định về các tội danh mới trên nhiều lĩnh vực, khẳng định nỗ lực và cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp cận những bức xúc từ cuộc sống, điều này rất đúng song cần cân nhắc thêm một số vấn đề cho đầy đủ. Đối với bốn tội danh thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Ở Điều 215 về tội gian lận BHXH, Điều 216 tội gian lận BHYT. Hai điều này nên nhập lại thành một và bổ sung thêm BH thất nghiệp. Vì chủ thể và hành vi rất giống nhau, chỉ khác nhau về đối tượng và lĩnh vực xâm hại. Điều 217 tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm cần cân nhắc vì trục lợi là mục đích, là động cơ phạm tội chứ không phải là tội danh. Việc gian lận trốn đóng chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đều vì mục đích trục lợi.

Mặt khác, bốn hành vi được mô tả tại điểm a, b, c, d tại Khoản 1 của điều này thực chất là hành vi lừa đảo. Do vậy, điều này nên sửa lại là tội lừa đảo trong kinh doanh bảo hiểm y tế sẽ phù hợp và chính xác hơn. Nên bổ sung một điều về tội chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để đồng bộ với Luật BHXH và BHYT. Hành vi chiếm dụng là hành vi bị nghiêm cấm trong hai dự luật này. Đồng thời cân nhắc chế tài đối với hành vi nặng hơn tội danh trốn đóng vì tính chất tội phạm ở tội danh này nghiêm trọng hơn tội trốn đóng rất nhiều. Ví dụ như trốn có thể do khách quan, không cố ý do gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh do khủng hoảng kinh tế, do thiếu vốn trong làm ăn. Nhưng khi ổn định có điều kiện thì người ta có thể đóng cửa lại và khắc phục hậu quả. Còn chiếm dụng là hoàn toàn cố ý, có đủ điều kiện, đủ vốn, không gặp khó khăn gì vẫn chiếm dụng. Động cơ là vì trục lợi rất rõ ràng. Tội này cần xử nặng để răn đe, để bảo vệ lợi ích cho NLĐ.

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, dự kiến ngày 25/11, các đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến biểu quyết thông qua Luật Hình sự (sửa đổi)./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn