'Lương hưu' tự nguyện: Vì sao dân chưa mặn mà?

10/04/2017 09:06 AM


Tham gia BHXH tự nguyện khi về già người thu nhập thấp, người không có công việc ổn định sẽ có lương hưu, nhưng…

Bảo hiểm xã hội tự nguyện với những chính sách ưu việt, ổn định nhưng lại không thu hút được sự tham gia của người dân.

Năm nay 45 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan, ở Hoài Đức, Hà Nội, ra quận Thanh Xuân thuê nhà bán rau. Chị cho biết, thu nhập của chị mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng, tiền thuê nhà hết 1 triệu đồng, ăn uống cũng hết cỡ đó, số tiền còn lại chị gửi về quê cho chồng nuôi 3 đứa con ăn học. Mới đây, được một số người mách, chị mua được bảo hiểm y tế tự nguyện. Nhưng chị cũng tặc lưỡi bảo: Vừa mấy hôm trước bị đau mắt mà cũng không thể về nơi mua bảo hiểm y tế để khám đành phải vào phòng khám tư nhân khám cho nhanh. Còn với BHXH tự nguyện thì chị bảo chưa bao giờ nghe nói đến và không biết bất kỳ thông tin gì liên quan đến loại bảo hiểm này.

Đối tượng chưa thể hoặc không thể tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người nghèo.

Một trường hợp khác, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Phù Lưu huyện Ứng Hòa , Hà Nội chỉ trông chờ vào gánh hàng rong của chị, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/ tháng. Cũng mong muốn được tham gia BHXH để sau này có khoản lương hưu nhưng với số tiền đó thì sinh hoạt hằng ngày và nuôi con học còn thiếu nên chị không có điều kiện để tham gia BHXH.

Chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Tiền đâu ra mà có, BHXH bây giờ cũng phải nhiều tiền chứ làm gì có tiền mà đóng”.

Đó là hai trong số rất nhiều dẫn chứng để giải thích vì sao người dân chưa “mặn mà” với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài ra, còn có rất nhiều lý do, trong đó theo ông Mai Đức Thắng – Phó Trưởng ban thu – BHXH Việt Nam thì vấn đề thu nhập và thói quen của người lao động còn nhiều vướng mắc. “Người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già” – ông Thắng nói.

Còn ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề XH của Quốc hội lý giải: Thứ nhất, theo chính sách BHXH tự nguyện, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu họ chỉ được hưởng 2 chính sách đó là hưu trí và tử tuất ngoài ra họ cũng được hưởng chính sách BHYT. Tuy nhiên so với BHXH bắt buộc BHXH tự nguyện thấp hơn vì không được hưởng đầy đủ 5 chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho nên người dân chưa mặn mà lắm. Thứ hai là tham gia chính sách BHXH tự nguyện họ không làm việc trong khu vực chính thức cho nên việc làm của họ không ổn định, việc đóng bấp bênh, có thể đóng tháng này, nghỉ sau đó lại đóng tháng khác cho nên rất khó vận hành.

Ngoài ra, người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng không biết đóng ở đâu, mua ở đâu và quyền lợi được hưởng như thế nào.

Chính sách BHXH thực chất đã đi vào cuộc sống nhưng nó mới đặt nền móng ở chính sách BHXH bắt buộc còn BHXH tự nguyện thì chúng ta mới đạt 20% người tham gia, rõ ràng là không thể đạt được mục tiêu 50% người lao động tham gia BHXH vào năm 2020.

Vậy thì biện pháp, cách thức như thế nào để chúng ta đạt được mục tiêu như tinh thần của nghị quyết? Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc đầu tiên là tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Và con đường thứ hai là là con đường bền vững nhất là chúng ta phải phấn đấu mở rộng sản xuất, mở rộng doanh nghiệp, khơi thông giải quyết việc làm để chuyển dần lao động khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Cái thứ ba là chúng ta phải có những chính sách kích cầu, hỗ trợ cho người lao động để họ tham gia vào chính sách BHXH một cách mạnh mẽ hơn. “ Đến 1/1/2018 thì nhà nước sẽ hỗ trợ 30% cho hộ nghèo tham gia chính sách BHXH; 25% trên tổng số tiền tham gia BHXH cho hộ cận nghèo và 10% cho các hộ khác. Đây là giải pháp hêt sức tích cực” – ông Lợi đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, mức hỗ trợ này vẫn còn thấp. Bởi đối tượng là hộ nghèo hay cận nghèo dù được hỗ trợ cao hơn cũng rất khó có thể tham gia được. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề xuất nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo./.

Theo VOV