Đóng BHXH theo Luật BHXH 2014: Người nghỉ hưu được hưởng lương cao hơn

13/09/2016 09:35 AM


“Mức đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014 bao gồm lương và các khoản thu nhập bổ sung, tiến tới đóng trên tổng thu nhập. Thực hiện quy định này sẽ giúp NLĐ tích lũy lâu dài, khi nghỉ hưu sẽ được hưởng mức lương cao hơn so với mặt bằng hiện nay”. Đó là nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

* PV: Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi cách tính mức lương đóng BHXH theo Luật BHXH 2014 đang gây khó khăn cho DN, đặc biệt khi Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng lương tối thiểu năm 2017 là 7,3%. Tại sao lại có quy định này, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi:

Quá trình tổng kết thực tiễn và thi hành Luật BHXH năm 2006 cho thấy, nhiều DN đóng BHXH cho NLĐ trên cơ sở tiền lương tối thiểu hoặc cao hơn 5%-7%. DN cũng chia thu nhập của NLĐ ra làm nhiều loại phụ cấp để giảm phần đóng BHXH (thực chất vẫn là tiền lương, nhưng lại chia ra phụ cấp chuyên cần, năng suất…). Như vậy, tiền lương đóng BHXH thấp, chỉ chiếm 66% mức thu nhập thực lĩnh của NLĐ; nếu vậy, sau này nghỉ hưu, NLĐ sẽ được hưởng mức lương hưu rất thấp, khó đảm bảo được đời sống.

Chính vì vậy, Luật BHXH năm 2014 đã quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH phải dựa trên cơ sở tiền lương và phụ cấp, nhằm khắc phục tình trạng người nghỉ hưu được nhận lương hưu quá thấp.

Chúng ta biết rằng, về nguyên tắc của chính sách BHXH là đóng- hưởng. Tuy nhiên, mọi hoạt động của DN đều hướng đến lợi nhuận, nên thông thường, họ sẽ tìm mọi cách để đóng BHXH thấp nhất cho NLĐ. Vì thế, pháp luật cần phải bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Nói như thế không có nghĩa là chủ SDLĐ bị thiệt khi đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ, bởi vì các khoản đóng góp này đều được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật không chỉ khuyến khích NLĐ nâng cao năng suất lao động, mà còn tạo cơ hội giúp DN phát triển bền vững. Đặc biệt, khi tuyển dụng lao động, bao giờ chủ SDLĐ cũng đặt ra yêu cầu đối với NLĐ là phải đóng góp, cống hiến toàn tâm toàn ý cho mình. Vì vậy, nếu không chăm lo cho NLĐ, liệu rằng NLĐ có yên tâm gắn bó và đóng góp cho DN, hay chỉ làm một thời gian lại bỏ đi nơi khác…

* Số liệu của VCCI cho thấy, tỉ lệ đóng BHXH cao so với các nước khu vực ASEAN, tạo sức ép lên khả năng chi trả lương của các DN, trong khi NLĐ chưa thực sự biết về lợi ích sau này của mình. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

- Đúng là Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đóng BHXH tương đối cao trong khu vực (24%). Nhưng, nếu so về số tuyệt đối, thì quá trình tham gia BHXH của NLĐ Việt Nam lại thấp hơn các nước, vì mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp- chỉ bằng 66% thu nhập. Chúng ta cần biết nguyên tắc của chính sách BHXH là “có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp” và tiền đóng BHXH của NLĐ là của để dành, được Nhà nước bảo hộ.

Khi ngành BHXH ứng dụng CNTT một cách đầy đủ, thì NLĐ sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mình, kể cả tiền gốc đóng, tiền tăng trưởng do đầu tư quỹ tạo ra.

Nhìn ra các nước, mức đóng BHXH của Thái Lan chỉ 5%, nhưng Luật BHXH của Thái Lan quy định NLĐ chỉ được hưởng 3 chế độ (lương hưu, trợ cấp tai nạn và trợ cấp tuất), thậm chí, lương hưu ở Thái Lan cũng chỉ bằng 20% mức tham gia BHXH. Trong khi đó, NLĐ ở nước ta được hưởng nhiều chế độ với mức hưởng cao như: Hưu trí, ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, tử tuất. Riêng mức hưởng lương hưu hằng tháng bằng 75% tiền đóng BHXH; khi giá trị sức mua của tiền lương hưu bị giảm sút do chỉ số giá tiêu dùng tăng, thì Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu để bảo đảm đời sống tối thiểu cho người nghỉ hưu.

Vì vậy, cần đặt ra câu hỏi, nếu NLĐ Việt Nam nghỉ hưu cũng chỉ được hưởng 20% mức tham gia BHXH như Thái Lan thì cuộc sống sẽ ra sao? Chúng ta nên biết, hiện nay, NLĐ chưa hiểu được tiền BHXH của họ đóng vào là bao nhiêu và hưởng như vậy đúng hay không? Nhưng tôi phải khẳng định rằng, tất cả những người đang hưởng lương hưu hiện nay đều có mức hưởng cao hơn mức đóng rất nhiều. Vì thế, NLĐ cần nhìn vào những điểm có lợi về lâu dài trong chính sách BHXH, đó là đóng nhiều thì hưởng lương hưu cao. Còn nếu không may giá trị đồng tiền bị thay đổi, Nhà nước cũng có trách nhiệm bù phần chênh lệch giá để đảm bảo cuộc sống cho họ- điều này thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước mà chúng ta chưa giải thích được cho NLĐ biết.

Lương hưu là nguồn tài chính quan trọng đảm bảo cuộc sống cho những người hết tuổi lao động

* Tại buổi gặp gỡ với Bộ LĐ-TB&XH mới đây, có ý kiến đề nghị giảm bớt mức đóng BHXH. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Theo quy định của Luật BHXH 2014, bản thân NLĐ và DN đều chịu tác động bởi mức đóng BHXH tăng là đúng. Điều này do trước đây DN đóng BHXH cho NLĐ dựa trên mức lương tối thiểu, nên khi thực hiện đóng theo mức thu nhập thì số tiền tăng lên là đương nhiên.

Vừa qua, chúng tôi đã khảo sát, phân tích, đánh giá tác động của chính sách này tới DN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù khó khăn chúng ta vẫn phải thực hiện đúng lộ trình đóng BHXH đã đề ra để vừa cân đối quỹ, vừa đảm bảo đời sống cho NLĐ khi về hưu. Đến khi nào tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tiệm cận với thu nhập thực tế của NLĐ, Chính phủ sẽ nghiên cứu để giảm dần tỉ lệ đóng cho cả NLĐ và người SDLĐ.

* Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, dù Luật BHXH 2014 đã có một số cải cách, nhưng chưa đủ nhanh và mạnh để khôi phục, cân đối quỹ hưu trí (tỉ lệ hưởng lương hưu cao, tuổi nghỉ hưu thấp). Vậy, vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu liệu có được tiếp tục đưa vào bàn thảo, thưa ông?

- Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Tuy nhiên, để làm được điều này, trong năm 2016- 2017, cần phải tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động 2012; sau đó mới có thể tiến hành sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu và thực tế một số nhóm đã được nâng tuổi hưu rồi. Thứ nhất, đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ bình quân của người dân ngày càng tăng- hiện nay tuổi thọ bình quân của người dân gần 74 tuổi. Thứ hai, chúng ta sắp qua giai đoạn “dân số vàng” và bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không có bước chuẩn bị sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực. Thứ ba, hiện tại chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nên nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ tư, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận người dân có cơ hội kéo dài thời gian tham gia BHXH, sau này có lương hưu cao hơn, giúp họ tránh gặp khó khăn về tài chính.

Đặc biệt, nếu theo lộ trình cải cách tiền lương, thì quỹ BHXH sẽ mất cân bằng nếu không có các chính sách khác để tăng thu, giảm chi.

* Vậy, để phổ biến rộng rãi những ưu điểm của Luật BHXH 2014 đến người dân, cần có giải pháp cũng như sự hỗ trợ ra sao để người dân tích cực tham gia BHXH nhiều hơn?

- Với những NLĐ có quan hệ lao động cần phải cố gắng đóng theo đúng quy định của pháp luật để khi về hưu sẽ hưởng lương hưu cao hơn. Còn với NLĐ khu vực phi chính thức, lao động nông nghiệp, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng BHXH. Mức hỗ trợ này đã được Chính phủ quyết định, nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng, NLĐ không có quan hệ lao động nếu đóng tự do cũng phải được hỗ trợ một phần để làm sao mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhằm hướng đến thực hiện chính sách an sinh xã hội theo tinh thần của Hiến pháp.

Điều 34 của Hiến pháp đã quy định, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội. Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, để đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Vì vậy, trong giai đoạn này, chúng ta cần phải chủ động đổi mới cách thức và nội dung tuyên truyền; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đối tượng, coi đó là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

* Trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn Báo BHXH