Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện DN nợ BHXH: Khó đủ đường!

13/09/2016 09:33 AM


Việc trao quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho tổ chức Công đoàn đang khiến tổ chức này, nhất là CĐCS lúng túng; nhiều nơi không biết nên vào cuộc như thế nào…

Số nợ BHXH đã lên tới 14.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân là do tháng 4/2016, TAND Tối cao có Công văn số 105 yêu cầu TAND các cấp triển khai một số quy định của Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016.

Một phiên xử DN nợ BHXH do cơ quan BHXH đứng đơn khởi kiện

Theo đó, Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ do việc khởi kiện do tổ chức CĐCS thực hiện. Do đó, công tác khởi kiện bị trì hoãn.

Luật tố tụng Dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 có những quy định về vai trò của tổ chức CĐ trong việc khởi kiện, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. TAND Tối cao cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn việc tiếp nhận vụ án kiện đòi BHXH từ tổ chức CĐ. Ông Nguyễn Chí Công- Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho hay: “Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể và vì vậy, tính đến thời điểm này, LĐLĐ tỉnh vẫn chưa tiến hành khởi kiện trường hợp dn. Để tổ chức CĐ “danh chính ngôn thuận” đứng ra khởi kiện đơn vị nợ BHXH cần có quy trình chặt chẽ mới triển khai được”.

Ở một góc độ khác, ông Lê Đình Quảng- Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, đảm nhiệm vai trò này, CĐ gặp không ít khó khăn về nguồn lực con người, kinh phí, nguồn thông tin, các thủ tục... để theo đuổi vụ kiện trong thời gian dài. “Chủ tịch CĐCS thường là người làm công ăn lương, kiêm nhiệm. Người làm công kiện chủ DN nợ BHXH thì quả là khó”- Ông Quảng cho hay.

Thực tế từ DN, ông Lê Văn Huân- Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sung Woo Vina phân trần: “Cán bộ CĐCS phần lớn là kiêm nhiệm, có quan hệ lao động với chủ SDLĐ, như vậy khó có việc CĐCS kiện chủ SDLĐ, bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm. Nếu cán bộ CĐ bị thôi việc thì làm sao có thể bảo vệ được quyền lợi của NLĐ. Theo tôi, cần quy định trách nhiệm khởi kiện đối với CĐ cấp trên cơ sở. Như vậy mới đảm bảo mức độ thành công của những vụ khởi kiện”. Ông Huân cũng cho rằng, cơ quan BHXH và LĐLĐ các tỉnh cần kịp thời tham mưu tới UBND tỉnh về các DN nợ đọng để có những hướng giải quyết kịp thời. Trong đó, không nên “trải thảm đỏ” cho những DN nợ đọng BHXH được hoàn thuế nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Đồng tình với những quan điểm này, ông Phan Thanh Hải- Chủ tịch CĐ công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam cũng cho rằng: Hiện nay cán bộ CĐCS đang phụ thuộc vào phía chủ SDLĐ nên khó có việc cán bộ CĐCS dám kiện DN. Ngoài ra, một thách thức khác được xác định rõ là cơ quan BHXH kiện DN nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ, còn khi tổ chức CĐ kiện DN nợ BHXH cần phải được NLĐ ủy quyền. Nếu NLĐ không biết về tình trạng nợ BHXH của DN, không ủy quyền, CĐ cấp trên không nắm rõ về tình hình nợ BHXH của DN thì sẽ dẫn đến tình trạng các DN nợ BHXH với số tiền lớn nhưng không ai đứng ra khởi kiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ.

Theo ông Phan Thanh Hải, Luật BHXH năm 2014 có quy định trách nhiệm của người SDLĐ định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho NLĐ và niêm yết công khai thông tin đóng BHXH do cơ quan BHXH cung cấp hàng năm. Đây cũng là cơ sở pháp lý để cán bộ CĐ nắm bắt được việc trích đóng BHXH của DN đối với cơ quan BHXH, kịp thời ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH, ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ. Ông Hải cũng chia sẻ kinh nghiệm, từ việc giải quyết chế độ trợ cấp thai sản, ốm đau… phát sinh ngẫu nhiên của NLĐ, cán bộ CĐ cũng có thể nắm bắt được tình hình trích đóng của DN.

Nguồn Báo BHXH