Thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế: Bảo hiểm y tế gánh đỡ viện phí

12/08/2016 01:25 AM


Cuối tháng 8, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) với mức tăng khoảng 50% so với mức đầu tháng 3.2016. Trước mắt, viện phí sẽ tăng tại những tỉnh, thành phố có số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ trên 95%.

Tăng viện phí theo lộ trình

Cuối tháng 8.2016, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh tăng giá DVYT tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 95%; đợt tiếp theo sẽ thực hiện tháng 10.2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp; tháng 11.2016, sẽ thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số; tháng 12.2016 thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT trên 80% và tháng 1.2017 thực hiện tại các địa phương còn lại.

Thông tư liên tịch Y tế - Tài chính số 37/TTLT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2016 với gần 1.900 DVYT xác định mức giá thống nhất đang được coi là bước đi cơ bản cho lộ trình BHYT toàn dân. Giá các DVYT được liên Bộ ban hành là mức giá cụ thể: Giá khám bệnh theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh theo hạng và theo chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Với các dịch vụ chưa quy định mức giá cụ thể sẽ áp dụng theo mức các dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện.

Triển khai Thông tư 37, Bộ Y tế đã có lộ trình điều chỉnh tăng giá DVYT thành nhiều đợt nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Đến cuối năm 2016 sẽ có hơn 18.000 DVYT tăng giá, tạo thuận lợi cho thanh toán BHYT. Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2017 việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt, mỗi đợt điều chỉnh sẽ thực hiện khoảng 10 tỉnh, thành phố.

ntkTien 100816.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân  BHYT tại BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh


Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên, giá DVYT tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: Chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đợt tăng giá DVYT tháng 3.2016 chỉ mới tính một phần chi phí gồm 3/7 yếu tố, lần tăng giá này sẽ tính thêm các chi phí khác như lương, phụ cấp…

BHYT bảo đảm chi viện phí

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, điều chỉnh giá DVYT theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn viện phí. Giá DVYT mới được tính đúng, tính đủ sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2015, đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... khi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí và người cận nghèo cũng chỉ đồng chi trả 5% viện phí. Việc điều chỉnh giá DVYT chỉ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc tăng giá DVYT sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời người dân được thụ hưởng các dịch vụ này và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có BHYT. Người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo cơ chế chuyển dần phần ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Việc chi trả từ tiền túi người dân sẽ giảm, toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, khấu hao… được tính vào giá DVYT và được quỹ BHYT chi trả. Đối với khoảng 24% dân số chưa tham gia BHYT, trong giai đoạn đầu sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình  tăng giá DVYT theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ áp dụng cho người không có BHYT. Do đó, để không phải nặng gánh chi trả viện phí khi khám, chữa bệnh, người dân nên tích cực tham gia BHYT.

Theo Báo ĐBND