Hết viện trợ, BHYT là cứu cánh cho người nhiễm HIV

01/08/2016 07:51 AM


Đến thời điểm này, khi các nguồn tài trợ quốc tế liên tục bị cắt giảm và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2017, thì nguồn tài chính bền vững nào để đảm bảo cho công tác phòng, chống HIV/AIDS? Đây đang là một câu hỏi lớn, không chỉ dành cho những người hoạch định chính sách mà còn nhận được được sự quan tâm của nhiều đối tượng, nhất là những người nhiễm HIV...

Hơn 227.000 người nhiễm HIV cần được điều trị suốt đời

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện toàn quốc có hơn 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc và điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời. Những năm qua Việt Nam đã từng bước đẩy lùi được nhiều tiêu chí giảm về số người mắc mới và tử vong do HIV/AIDS. Kết quả đó có được một phần là do Việt Nam nhận được nguồn viện trợ trong công tác phòng chống HIV/AIDS bền vững từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến cuối tháng 4/2016 đã có khoảng 110.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Phần lớn nguồn thuốc ARV chiếm đến khoảng 95% là miễn phí do được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ tiến tới kết thúc viện trợ hoàn toàn vào cuối năm 2017. Trong lộ trình cắt giảm thuốc ARV đến năm 2017 còn rất ít và đến năm 2018 thì sẽ gần như không còn tổ chức nào cam kết tài trợ miễn phí. Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã  không có kế hoạch hỗ trợ cho Việt Nam sau năm 2017. Tổ chức Pepfar (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ) năm 2016 giảm 10%, năm 2017 giảm 40% và tiến đến dừng hoàn toàn vào năm 2019.

Hết viện trợ, BHYT là cứu cánh cho người nhiễm HIV - Ảnh 1Bệnh nhân HIV đến tư vấn và khám để điều trị ARV.

Năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ đồng cho mua thuốc ARV, nâng tỷ trọng kinh phí từ 5% lên 15%, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn trước bối cảnh các nhà tài trợ rút đi. Trong thời gian tới, khi không còn viện trợ thì bảo hiểm y tế đang được xác định là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho người nhiễm HIV được điều trị. Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho thấy, số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế trong khoảng từ 30 - 50%, có những tỉnh đạt 60%, tuy nhiên mức trung bình thì chỉ khoảng 35%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên toàn quốc là khoảng 77% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.

Nhiều rào cản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận BHYT

“Việt Nam đang hướng tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, chủ trương của Nhà nước trong bối cảnh viện phí tăng tính đúng, tính đủ. Bảo hiểm là một cứu cánh. Mỗi bệnh nhân khi vào viện, nếu tính đủ chi phí lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Nếu không có nguồn hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế, ngay lập tức trở thành hộ nghèo. Và với những bệnh nhân nhiễm HIV thì lại càng cần thiết hơn”- Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh.Tuy nhiên, hiện có rất nhiều rào cản khiến những người có HIV khó tiếp cận bảo hiểm y tế. Bà Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS cho rằng, đa số người nhiễm HIV là người nghèo, có nhiều gia đình, Vợ chồng và các con của họ đều bị nhiễm HIV. Do sức khỏe yếu nên thường xuyên phải điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội rất cần bảo hiểm y tế nhưng họ lại không đủ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình.

Theo bà Trâm, dù Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định hộ cận nghèo được miễn 50% tiền mua bảo hiểm y tế, hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí. Nhưng theo quy định việc xác định hộ nghèo đa chiều như hiện nay, được công nhận hộ gia đình nghèo để được cấp thẻ bảo hiểm y tế là hết sức khó khăn. Chưa kể đến những khó khăn về thủ tục trong quá trình cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với những người nhiễm HIV.

Ở một góc độ khác, hiện nay nhiều người có HIV chưa vượt qua được chính nỗi sợ người khác biết mình có HIV nên âm thầm chữa trị. Tuy nhiên, thời gian tới nếu chuyển bệnh nhân điều trị ARV sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc khi tham gia bảo hiểm y tế họ phải lấy thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh nơi đăng ký ban đầu, họ rất dễ gặp những người quen đến khám chữa bệnh, rất dễ lộ thông tin họ bị nhiễm HIV, dẫn đến tâm lý lo lắng, e ngại khi tham gia bảo hiểm y tế. Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, rất nhiều người nhiễm HIV do sợ lộ thông tin bị nhiễm HIV nên khi làm hồ sơ điều trị ARV họ thường thay đổi họ tên (mang tên giả). Khi tham gia bảo hiểm y tế họ phải làm lại hồ sơ bằng tên thật của mình, hồ sơ cũ không được công nhận. Để được điều trị ARV họ phải làm lại tất cả các xét nghiệm và các thủ tục mới gây tốn kém cho người nhiễm HIV và rất dễ xảy ra tình trạng gián đoạn điều trị ARV.

Giải pháp nào để đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT?

Để tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho người có HIV/AIDS, mới đây Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo phải làm sao để cho 100% người nhiễm HIV/AIDS được tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, những giải pháp hỗ trợ cho người có HIV tham gia bảo hiểm y tế đang có sự cam kết từ chính phủ rất quyết liệt. Ngày 11/4/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo phải làm sao để cho 100% người có HIV/AIDS được tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, nguồn kinh phí có thể trích các nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, từ quỹ kết dư của bảo hiểm y tế của các địa phương, từ quỹ phòng, chống AIDS của các địa phương để mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng này.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết, quỹ kết dư của bảo hiểm y tế trong năm 2015 còn khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, ngoài ra vẫn còn một khoản nữa từ các năm trước. Do vậy, Quỹ kết dư khám chữa bệnh sẽ hỗ trợ một phần để giúp những người có HIV/AIDS mua thẻ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội sẽ nghiên cứu việc trích quỹ ra sao, rồi vấn đề tổ chức mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như thế nào... để có những giải pháp mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Chính phủ.

Báo Lao động và Xã hội