Số người mắc ung thư tăng vọt và vấn đề đặt ra với Quỹ BHYT

02/08/2016 01:38 AM


Suy thoái kinh tế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe của người dân hay không? Số liệu gần một thập kỷ qua cho thấy rõ, tỷ lệ ung thư luôn gắn với thực trạng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, công bố mới đây về công trình nghiên cứu trên Tạp chí Lancet cho thấy, có thể hạn chế ảnh hưởng của biến cố tài chính đến sức khỏe nếu các quốc gia chủ động ứng phó sự đi xuống của nền kinh tế.

Theo số liệu phân tích từ cơ sở dữ liệu của trên 70 quốc gia trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2008-2010 về xu thế bệnh tật gần đây cho thấy, số người chết vì ung thư đă tăng thêm 263.000 người và đặc biệt tăng nhanh ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển châu Âu (OECD). Tập trung vào các loại ung thư có hiệu quả điều trị cao như ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, cũng như các bệnh ung thư mà can thiệp y học còn chưa thật sự hiệu quả, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, tỷ lệ gia tăng số người mắc bệnh ung thư và tỷ lệ thất nghiệp có mối quan hệ với nhau.

Tuy nhiên, dù tỷ lệ ung thư tăng nhưng mức độ tác động đến các quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế khác nhau có sự cách biệt. Ở các quốc gia có hệ thống BHYT toàn dân, sự gia tăng về tỷ lệ người chết do ung thư tăng không cao, thậm chí không thay đổi, trong khi các quốc gia không có hệ thống BHYT toàn dân, thì con số này gia tăng đáng kể. BHYT luôn là một trong các chế độ gắn liền với việc làm của người lao động - yếu tố quan trọng đảm bảo cho  người lao động được tiếp cận với chăm sóc y tế đầy đủ kịp thời. Phát hiện này có vẻ là hiển nhiên nhưng  trong thực tế mối quan hệ này lại thường hay bị các nhà hoạch định chính sách y tế của các quốc gia bỏ qua một cách chủ ý hoặc không chủ ý. Một minh chứng cụ thể cho vấn đề này, tuy chưa được công bố chính thức, đó là tác giả Mahiben Maruthappu so sánh dữ liệu số người chết vì ung thư ở Mỹ, Anh cho thấy, số người chết ở Mỹ tăng 18.000 người nhưng Anh không hề tăng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Lý do là có sự khác biệt giữa hai quốc gia về tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe của hai quốc gia này: Anh tổ chức hệ thống đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân, Mỹ chưa đạt được mục tiêu này. Tương tự như vậy, người ta cũng thấy rằng, trong khủng hoảng kinh tế, mức độ đầu tư cho hệ thống y tế công càng cao thì tác động của khủng hoảng kinh tế lên tỷ lệ người chết vì ung thư càng thấp, bỏ qua tác động của yếu tố việc làm.

Tuy trong nghiên cứu này không thực hiện so sánh chính sách y tế giữa các quốc gia, không chỉ ra một cách rõ ràng ưu thế của các quốc gia thực hiện BHYT toàn dân như Anh qua Cơ quan BHYT nhà nước hoặc Thụy Sỹ (bắt buộc toàn dân thông qua công ty BHYT tư nhân) nhưng họ vẫn kết luận rằng, yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo kiểm soát ung thư là cơ chế đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế - cơ chế bảo hiểm. Kết quả nghiên cứu đã minh chứng một cách thuyết phục rằng, dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, dù mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư nhưng nếu hệ thống y tế tổ chức tốt, đảm bảo sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế thì  bệnh nhân ung thư vẫn sẽ cơ hội cải thiện đáng kể  tình trạng bệnh tật của mình.

Ở các quốc gia không có hệ thống BHYT toàn dân, thì khi mất việc làm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình khám, chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân. Không có bảo hiểm, có thể dẫn đến việc bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở thời điểm đã quá muộn. Hoặc trong trường hợp bất ổn về kinh tế gia tăng, thì sự suy thoái  kinh tế và thất nghiệp thường đưa đến hậu quả là người dân ít đi khám, chữa bệnh, cùng với vấn đề sức khỏe tâm thần và rối loạn hành vi sẽ tác động không nhỏ đến việc đi khám, điều trị ung thư của người dân. Lợi ích của việc BHYT toàn dân không chỉ có tác động đến người mắc bệnh ung thư mà các nhà khoa học trong nghiên cứu về mối liên hệ giữa khủng hoảng kinh tế và tự tử ở Bắc Mỹ, Tây Âu cũng thấy tỷ lệ tự tử giảm đáng kể cho mỗi 100 đô la bỏ ra thêm cho chương trình phòng chống tự tử.Yếu tố chi phí không phải lúc nào cũng quyết định đầu ra của chăm sóc sức khỏe, nếu so về tỷ lệ chi phí cho sức khỏe với GDP không quốc gia nào có thể so sánh với nước Mỹ và tỷ lệ chi phí này là gấp đôi so với hệ thống của Anh - chỉ có một  hệ thống BHYT duy nhất do Nhà nước quản lý, có trình độ y tế tương đương Mỹ. Mỹ không chỉ là quốc gia có tỷ lệ chi tiêu cho y tế cao nhưng chưa hiệu quả mà còn có tuổi thọ thấp và tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính cao nếu so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển. Theo tác giả của công trình nghiên cứu Maruthappu, bất cứ hệ thống y tế nào muốn đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân đều phải bảo đảm các yếu tố  sau: Có đủ nguồn lực để chi trả cho hoạt động cung cấp dịch vụ, có hệ thống tổ chức khám, chữa bệnh rộng khắp, hiệu quả và người dân  thực sự có ý thức khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Bởi nếu không các biện pháp đề ra nhằm đối phó với sự câu thúc kiểm soát chi khám, chữa bệnh không đi kèm với nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của hệ thống sẽ dễ dàng dẫn đến việc giảm chất lượng khám, chữa bệnh và hậu quả là tỷ lệ tử vong sẽ gia tăng. Ngay cả đối với các quốc gia Tây Âu - nơi hầu hết có hệ thống BHYT toàn dân thì nghiên cứu này vẫn chỉ ra rằng suy thoái kinh tế có tác động đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do ung thư, điều đó có nghĩa rằng nguồn lực tài chính là một yếu tố quan trọng trong khám, chữa bệnh cho dù người dân ở các quốc gia này đang được tiếp cận dịch vụ y tế một cách dễ dàng, thuận tiện.Nước Mỹ, trên con đường tìm kiếm các giải pháp cải cách hệ thống y tế đang cân nhắc đề xuất của 2.000 bác sỹ về việc giải quyết điểm mù trong chính sách y tế, đó là thực hiện thống nhất hệ thống BHYT toàn quốc theo quan điểm xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân được coi là một sự đảm bảo xã hội cho công dân. Một hệ thống BHYT thống nhất toàn quốc do Nhà nước quản lý luôn là một hệ thống tốt nhất và là cách đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân với hiệu quả chi phí cao nhất và tương đồng  với khả năng đóng góp của người dân”. Công bố của Tạp chí Lancet, một tạp chí y học tiếng tăm của Mỹ cho thấy, Việt Nam lựa chọn con đường BHYT toàn dân là hoàn toàn đúng đắn. Thành công từ mô hình  thực hiện BHYT toàn dân tại Việt Nam xứng đáng là một bài học, một kinh nghiệm tốt cần được chia sẻ và nhân rộng trên bình diện toàn cầu./.


Nguồn Tạp chí BHXH