Lâm Đồng: Nhức nhối với tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
02/10/2020 02:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mỏi mòn đòi quyền lợi
Từ năm 2016 đến nay, hàng chục công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Kimono Japan đã gõ cửa kêu cứu nhiều cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nhằm đòi quyền lợi đã bị chủ doanh nghiệp này xâm hại.
Được biết, Công ty TNHH Kimono Japan là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên về dệt lụa tơ tằm, có trụ sở tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù hằng tháng vẫn đều đặn trừ tiền lương của các công nhân nhưng từ tháng 6-2011 đến tháng 8-2016, công ty này không đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của công nhân vào quỹ BHXH địa phương. Số tiền nợ của công ty đối với cơ quan BHXH lên tới 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không trả lương tháng 7-2016 cho công nhân.
Công nhân Công ty TNHH Kimono Japan phản ánh với cơ quan chức năng về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Sau nhiều lần thương lượng bất thành, tháng 6-2017, được sự ủy quyền của 55 lao động tại công ty, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng đã khởi kiện Công ty TNHH Kimono Japan ra Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, từ đó tới nay, vì nhiều lý do khác nhau mà vấn đề nợ đọng BHXH của công ty cũng như quyền lợi của NLĐ tại doanh nghiệp này vẫn chưa được giải quyết. Ông Đào Văn Thiệp, một công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Kimono Japan, bức xúc cho biết: “Tôi công tác tại công ty hơn 10 năm, nay đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa thể chốt sổ vì công ty không đóng bảo hiểm. Nhiều đồng nghiệp nữ làm cùng công ty với tôi khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản, không có bảo hiểm y tế, ốm đau phải tự bỏ tiền túi để khám, chữa bệnh”.
Theo BHXH tỉnh Lâm Đồng, tính đến cuối tháng 8-2020, số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp lên tới 12 tỷ đồng. Những doanh nghiệp nợ BHXH số tiền tương đối lớn gồm: Công ty TNHH Tâm Châu, Trung tâm Dạy nghề tư thục Lạc Hồng, Công ty TNHH Young Shin Vina... Các doanh nghiệp nhiều năm liền không đóng BHXH cho NLĐ gồm: Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Đại Dũng (nợ 96 tháng), Trung tâm Dạy nghề tư thục Lạc Hồng (nợ 82 tháng), Công ty TNHH Cao Xuân Trường (nợ 46 tháng), Công ty TNHH Thịnh Trị (nợ 56 tháng), Trường Mầm non Bá Thiên Bảo Lộc (nợ 55 tháng)... Danh sách này chỉ bao gồm những doanh nghiệp đang hoạt động. Với doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc giải thể thì chưa được cơ quan bảo hiểm nhắc tới bởi việc thu hồi nợ BHXH gần như là bất khả thi.
Ngoài số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, dây dưa, không đóng BHXH, thời gian qua còn có doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “né” đóng bảo hiểm. “Một số doanh nghiệp vận tải trước đây ký hợp đồng với NLĐ, trả lương và BHXH hằng tháng nhưng sau này cắt hợp đồng, chuyển sang hình thức giao khoán và thu tiền NLĐ theo định mức thỏa thuận. Bằng cách này, doanh nghiệp không còn nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ nữa. Có doanh nghiệp lại ký hợp đồng với nhiều lao động, sau đó phân chia thành các nhóm làm việc luân phiên dưới 14 ngày trong tháng. Theo khoản 3, Điều 85, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng thì không phải đóng BHXH”-ông Trần Văn Sơn, Phó giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng, bày tỏ sự trăn trở.
Cần xử lý kiên quyết
Dù liên tục đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra, xử phạt nhưng nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng vẫn cố tình chây ỳ, trốn tránh đóng BHXH. Việc kiện doanh nghiệp ra tòa được xem như giải pháp cứng rắn, hữu hiệu nhất thì cũng chưa đem lại kết quả do sự bất hợp tác của chủ doanh nghiệp và những vướng mắc về mặt pháp lý. Điển hình như trường hợp của Công ty TNHH Kimono Japan. Căn cứ vào Luật BHXH, thời gian đầu, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng được sự ủy quyền của 55 công nhân khởi kiện doanh nghiệp này ra Tòa án Nhân dân TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Tòa án Nhân dân TP Bảo Lộc yêu cầu phải thực hiện theo thủ tục tố tụng của tranh chấp lao động từng cá nhân, vì pháp luật hiện hành chưa cho phép giải quyết chung một vụ kiện tập thể. Khi các cá nhân nộp đơn khởi kiện thì vị giám đốc người Nhật Bản lại qua đời. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được quyền thừa kế và người thừa kế doanh nghiệp nên vụ việc đang rơi vào bế tắc.
Công ty TNHH Cao Xuân Trường ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nợ 46 tháng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH hiện nay chịu sự chi phối của 4 luật, bộ luật: Tố tụng dân sự, Công đoàn, BHXH, Lao động. 4 luật, bộ luật này thiếu thống nhất, tạo ra những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.
Sự bất hợp tác của doanh nghiệp cộng với tình trạng chồng chéo, thiếu chặt chẽ của hệ thống pháp luật khiến nợ đọng BHXH tại Lâm Đồng trở thành món nợ... khó đòi. Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Tư pháp với UBND tỉnh Lâm Đồng gần đây, lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tăng cường chỉ đạo cơ quan BHXH địa phương, tổ chức công đoàn cùng với các cấp, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và NLĐ trong thực hiện Luật BHXH; tăng cường công tác tập huấn, kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH; xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.
“Ngoài sự nỗ lực của đơn vị, chúng tôi mong các bộ, ngành sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về BHXH; ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi vi pháp luật trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bảo vệ lợi ích NLĐ; góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội tại địa phương”-ông Trần Văn Sơn kiến nghị.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
https://www.qdnd.vn/
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT