Lâm Đồng: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển BHYT tại địa phương.
17/08/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17 tháng 8 năm 2018, tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị triển khai chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2018. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Tại Hội nghị, đồng chí Đậu Tú Lan, Giám đốc BHXH tỉnh báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai kế hoạch cho các tháng còn lại của năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng hết tháng 6 năm 2018, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn là 1.029.166 người, đạt 78,39% dân số; so với năm 2017 tăng 0,54% với 5.480 người; trong đó, tổng số HSSV tham gia BHYT là 249.347 em, đạt tỷ lệ 96,1% tổng số HSSV trên địa bàn tỉnh; Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là 227.069 người, tăng 860 người so với năm 2017.
So với chỉ tiêu năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Lâm Đồng còn thiếu 4,21%, tương đương 57.021 người. Một số địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp so với kế hoạch được giao như: Huyện Cát Tiên (thiếu 12,33% với trên 5.000 người), huyện Lạc Dương (thiếu 6,93% với trên 1.800 người), thành phố Đà Lạt (thiếu 6,69% với trên 15.300 người), thành phố Bảo Lộc (thiếu 5,27% với trên 8.600 người), huyện Đạ Huoai (thiếu 5,94% với trên 2.190 người), huyện Đức Trọng (thiếu 5,11% với trên 9.450 người)…
Tổng số lượt người khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh trong 06 tháng đầu năm là 992.376 lượt người với số tiền chi phí là 315.342 triệu đồng, trong đó: Khám chữa bệnh ngoại trú tại tỉnh là 926.967 lượt người với chi phí 148.567 triệu đồng; Khám chữa bệnh nội trú tại tỉnh là 65.285 lượt người với chi phí 160.548 triệu đồng; Chăm sóc sức khỏe ban đầu là 5.942 triệu đồng; Thanh toán trực tiếp 124 trường hợp với số tiền 285 triệu đồng. Chi phí khám chữa bệnh BHYT đa tuyến đi ngoài tỉnh 6 tháng đầu năm là 142.000 triệu đồng cho 46.197 lượt người khám chữa bệnh. So với cùng kỳ năm 2017, chi phí khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh tăng 31,9% với số tiền là 74.971 triệu đồng (nguyên nhân tăng chủ yếu là do số lượt người khám chữa bệnh tăng 69.115 lượt).
Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp. Trong 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức 163 hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với Nhân dân tại các xã, phường, thị trấn và tại một số doanh nghiệp (BHXH tỉnh tổ chức 7 hội nghị, BHXH huyện, thành phố tổ chức 156 hội nghị)...
Qua hội nghị, các đại biểu cũng chỉ một số khó khăn, tồn tại như:
- Công tác tuyên truyền còn dàn trải, phương thức tuyên truyền chưa đổi mới. Một số nơi, người dân còn chưa tiếp cận được đầy đủ các thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Một số cơ quan truyền thông chưa xây dựng được các tin, bài có chất lượng về BHYT.
- Một số người dân không biết thời điểm hết giá trị sử dụng của thẻ BHYT nên khi hết hạn, không biết để tiếp tục tham gia; một số đối tượng còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cấp thẻ (hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình).
- Một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT; chưa kiểm tra, đánh giá bình xét thi đua đối với các tập thể và cá nhân không hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT.
- Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người dân; thời gian chờ đợi để khám, chữa bệnh của người dân chưa được rút ngắn; một số cơ sở khám, chữa bệnh còn chậm cải thiện về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm trong khám, chữa bệnh.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo 538, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đối tượng các tháng còn lại của năm 2018 như:
- Đối với BHXH tỉnh Lâm Đồng theo dõi và báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2015-2020 tình hình biến động độ bao phủ BHYT của các địa phương trong tỉnh; phối hợp các sở, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp thực hiện; phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể thực hiện tốt phát triển đối tượng tham gia BHYT.
- Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao y đức và thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ; tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính trong KCB; giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi khám chữa bệnh; có lộ trình giảm thời gian chờ đợi của người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở KCB.
- Sở Lao động – Thương binh vã Xã hội tăng cường công tác thanh tra việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT đảm bảo mọi người lao động được đóng BHXH, BHYT, BHTN; chỉ đạo các trường dạy nghề đảm bảo 100% HSSV có thẻ BHYT;
- Sở Giáo dục và Đào tạo là đầu mối chủ trì trong thực hiện BHYT cho HSSV; tiếp tục đưa chỉ tiêu tham gia BHYT là một tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân của các cơ sở giáo dục; Đảm bảo hoàn thành 100% HSSV có thẻ BHYT từ năm 2018 trở về sau.
- Sở Truyền thông – Thông tin, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi nhân dân tích cực tham gia BHYT đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung; ưu tiên tăng số lượng, thời lượng các tin, bài, phóng sự liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, xem đây là một nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
- Sở Tài chính bảo đảm nguồn Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách khác và hỗ trợ mức đóng cho một số đối tượng khác theo quy định; không để nợ ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT; các cơ quan hành chính, sự nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT.
- Đối với UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển BHYT đã ban hành; phân công cụ thể từng ngành, từng địa phương thực hiện việc tuyên truyền, vận động tham gia BHYT, đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên chi bộ thôn, xóm trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tại cơ sở, đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với thôn, xã nông thôn mới đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT trên 85% trở lên (theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17/10/2016); xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu phát triển đối tượng theo từng thời điểm, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành 100% kế hoạch được giao; giao chỉ tiêu bao phủ BHYT hàng năm cho UBND các xã/phường/thị trấn đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện. Đưa tiêu chí hoàn thành kế hoạch phát triển HSSV tham gia BHYT để đánh giá các trường trực thuộc trên địa bàn huyện, thành phố; chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn phối hợp với cơ quan BHXH trong thực hiện tuyên truyền chính sách BHYT tại các khu dân cư; rà soát, lập danh sách đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT tránh để sót đối tượng, làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, trong đó: lưu ý đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách như đơn vị thuộc vùng khó khăn (theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn)./.
Trần Sơn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT