Những điều cần biết về Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2018 – 2019
27/08/2018 08:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng tham gia theo Luật BHYT, không vì mục đích lợi nhuận và do Nhà nước tổ chức thực hiện. Để triển khai thực hiện công tác này, ngày 27/7/2018 Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh ban hành văn bản số 515/BHXH-QLT về việc thu BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2018-2019, cụ thể:
Đối tượng BHYT HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia (trừ những HSSV đã tham gia BHYT các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mức đóng và thời hạn sử dụng thẻ BHYT cụ thể:
Mức đóng: Mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (từ 01/7/2018 là 1.390.000đ) nhân với số tháng tương ứng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; HSSV đóng 70% và tham gia tại nơi HSSV đang theo học.
HSSV có thể đóng cả năm học 12 tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng.
+ Cụ thể mức đóng là : (1.390.000 x 4.5% x 70%) x số tháng đóng. Theo đó, mức đóng BHYT HSSV năm học 2018-2019 là: 750.600 đồng/người/12 tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 225.180 đồng (phần 30%), cá nhân đóng 525.420 đồng (phần 70%).
+ HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; thân nhân công an nhân dân, nghèo, cận nghèo,…) nếu hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác, thì tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp theo, đến hết thời hạn chung của nhà trường.
Thời hạn sử dụng thẻ BHYT:
+ Thực hiện thu và phát hành thẻ BHYT HSSV theo năm học, thời hạn sử dụng thẻ từ 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019.
+ Đối với học sinh lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ được cấp lần trước đến ngày 30/9/2019; sinh viên năm cuối và học sinh lớp 12 thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến hết tháng kết thúc năm học hoặc đến ngày 30/9/2019 (phí thu tương ứng với thời gian sử dụng của thẻ BHYT được cấp).
Lưu ý: (Trường hợp tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên, thì thẻ BHYT có thời hạn sử dụng sau 30 ngày kể ngày nhà trường nộp tiền BHYT).
HSSV đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện đa khoa khu vực; các bệnh viện tuyến huyện, thành phố; các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng dẫn của cơ quan BHXH. Hoặc truy cập website: http://www.bhxhlamdong.gov.vn để chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu và có nhu cầu thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thì liên hệ với BHXH nơi phát hành thẻ BHYT để được thực hiện (vào đầu mỗi quý).
Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT:
- Xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh (gồm thẻ học sinh/ sinh viên có ảnh hoặc CMND).
- Trường hợp cấp cứu, được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và chậm nhất phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện.
- Trường hợp chuyển tuyến điều trị, phải có hồ sơ chuyển viện cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh.
Phạm vi được hưởng của BHYT HSSV được quỹ BHYT chi trả các chi phí sau đây:
- Chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường.
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, tiền giường bệnh.
- Thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục của Bộ Y tế.
Mức hưởng BHYT:
* Khi đi khám, chữa bệnh đúng quy định (Cấp cứu hoặc được chuyển tuyến) thì được thanh toán như sau:
- 100% chi phí KCB khi:
+ KCB tại tuyến xã hoặc tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% (208.500 đồng) mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị.
+ HSSV là con của liệt sỹ, người thuộc gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
+ HSSV đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sống tại xã đảo, huyện đảo.
+ Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (từ 01/7/2018 là: 8.340.000đ) (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến).
- 80% chi phí khám, chữa bệnh đúng quy định hoặc tại Bệnh viện tuyến quận/ huyện trong phạm vi cả nước.
- Hưởng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn: không vượt quá 40 tháng lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó theo mã quyền lợi được hưởng. Phần chi phí KCB chênh lệch còn lại (nếu có) HSSV tự thanh toán với cơ sở KCB.
* Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng:
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám, chữa bệnh (Nội trú và ngoại trú).
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
- Các thẻ đăng ký KCB ban đầu tại Trạm y tế phường/xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện quận/huyện được hưởng 100% chi phí KCB khi đi khám tại các Trạm y tế phường/xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến quận/huyện trên địa bàn tỉnh.
* Trường hợp KCB không đủ thủ tục KCB hoặc KCB tại cơ sở không ký hợp đồng BHYT, bệnh nhân có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định, nhưng mức tối đa cho 01 đợt điều trị không vượt quá mức:
- Khám chữa bệnh ngoại trú:
Tại bệnh viện tuyến huyện và tương đương, mức thanh toán 60.000đồng/01 đợt điều trị.
- Khám chữa bệnh nội trú:
+ Tại bệnh viện tuyến huyện và tương đương, mức thanh toán 500.000 đồng/01 đợt điều trị;
+ Tại cơ sở tuyến tỉnh và tương đương, mức thanh toán 1.200.000 đồng/01 đợt điều trị;
+ Tại bệnh viện tuyến Trung ương, mức thanh toán 3.600.000 đồng/01 đợt điều trị.
PT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT