Quản lý giá thuốc vào BV: Đấu thầu tập trung để chống nạn bắt tay đấu thầu!

16/01/2013 03:20 AM


Cùng một hoạt chất hạ sốt Paracetamol, nhưng qua khảo sát 18 loại thuốc nội có tên gọi khác nhau trúng thầu vào các BV đã có giá chênh lệch đến… bảy lần đang là một thực tế. Các chuyên gia cho rằng, chính vì việc đấu thầu thuốc hiện nay dựa theo kiểu đấu thầu trong xây dựng nên khó tránh khỏi việc bắt tay đấu thầu, hướng thầu… làm đội giá thuốc.


Đừng để gánh nặng giá thuốc lên vai người bệnh

Lỗ hổng từ quy định đấu thầu thuốc

Năm 2011, thuốc Perabact với hoạt chất Cefoperazon do Ấn Độ sản xuất khi trúng thầu vào BV ở Đồng Tháp có giá 18.000 đồng/hộp, trong khi thuốc này trúng thầu ở Cần Thơ có giá 30.000 đồng/hộp. Kháng sinh chích Meropenem 1gr có đến mười giá khác nhau vì có nhiều tên thương mại: Thuốc của Ý trúng thầu hơn 800.000 đồng/lọ, của VN 714.000 đồng/lọ, còn của Ấn Độ giá gần 550.000 đồng/lọ. Điều đáng nói, cùng một nhà sản xuất, thế nhưng, giá thuốc Supercef (Cefepim) 1gr trúng thầu vào các BV năm 2010 chênh lệch tới 23%.

Tại hội nghị chuyên đề về lĩnh vực dược học mới đây, BS Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - đã cho biết, cùng một loại hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế chỉ khác tên thương mại do trong nước sản xuất nhưng khi trúng thầu vào BV khi đến tay người bệnh lại chênh nhau đến mức khó tin. Cụ thể, Paracetamol là loại hoạt chất phổ biến trong điều trị giảm đau, hạ sốt được 18 DN trong nước cùng sản xuất ra 18 sản phẩm có tên gọi khác nhau nhưng giá trúng thầu vào BV vênh nhau từ 85 đồng/viên cho đến 650 đồng/viên.

Lâu nay, tình trạng loạn giá thuốc bắt nguồn từ việc đấu thầu theo Thông tư liên tịch 10 được ban hành từ năm 2007 có quá nhiều lỗ hổng. Lỗ hổng lớn nhất khiến cho các DN lợi dụng chính là: Các Cty dược khi tham gia đấu thầu có thể đấu thầu cùng lúc nhiều loại thuốc. Nhiều Cty lâu nay chỉ có một, hai loại thuốc độc quyền, thế mạnh nhưng lợi dụng quy định trên đã săn lùng các loại thuốc từ các Cty khác để tham gia đấu thầu.

Mặc dù trên danh nghĩa là đấu thầu công khai, có đủ thành phần kể cả BHXH, thế nhưng qua tìm hiểu các dược sĩ (tại một số BV xin giấu tên), nhiều người tiết lộ: Buổi đấu thầu nào cũng có đủ thành phần xét duyệt nhưng ai cũng biết loại thuốc nào muốn vào BV đều được quyết bởi quyền tối cao là giám đốc BV...

Chính vì cơ chế cho phép các BV được phép tự đấu thầu thuốc nên đã dẫn đến hiện tượng: Mỗi BV một giá mặc dù đã có quy định ràng buộc về thặng số bán. Nhiều ý kiến được đặt ra: Tại sao không đấu thầu tập trung và quy về một đầu mối? Đấu thầu tập trung có giảm được giá thuốc khi vào BV và giá ở các BV khác nhau có còn sự chênh lệch?

Đấu thầu tập trung: Giá thuốc có giảm?

Đã có nhiều ý kiến góp ý khi áp dụng việc đấu thầu tập trung đó là: Tại VN có trên 20.000 mặt hàng thuốc đang được cấp phép lưu hành liệu hội đồng đấu thầu có thẩm định xuể? Mỗi BV có một nhu cầu thuốc khác nhau đặc biệt là BV chuyên khoa sử dụng nhiều thuốc đặc trị hoặc BV vùng sâu, vùng xa liệu giá có khác nhau? Tại sao không đấu thầu một số loại thuốc thông dụng? Đấu thầu tập trung có tránh được tình trạng tiêu cực lớn?

Theo Thông tư 01 của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc được áp dụng đại trà trong năm 2013, giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu 1 năm/lần, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu 1 mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó, thay vì 7 - 10 thuốc cùng trúng thầu như  trước đây...

Tìm hiểu tại TPHCM, dự kiến trong năm 2013 sẽ tổ chức đấu thầu thuốc tập trung. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: “TPHCM đã có định hướng đấu thầu tập trung cho tất cả các BV. Hiện sở đang xây dựng bộ máy trung tâm tiếp liệu để thực hiện mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế cho hệ thống BV trực thuộc Sở cũng như hoàn chỉnh hành lang pháp lý hoạt động, xây dựng lộ trình kế hoạch đấu thầu tập trung từ thí điểm đến đồng loạt. Nhu cầu thuốc cho cả hệ thống BV của TP là rất lớn và rất phức tạp, không thể chỉ lo cho yếu tố giá thống nhất, mà còn phải tính đến khả năng điều trị, kinh nghiệm sử dụng của các BS. Đấu thầu tập trung có nhiều cái lợi nhưng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và kiểm soát tốt. Thực tế những năm qua cho thấy khi một số tỉnh đấu thầu tập trung, giá thuốc cũng vẫn chưa hợp lý”.

Lâu nay, ngành y tế đang quản lý thuốc theo kiểu “tất tần tật” như sản xuất, kinh doanh, cho phép vào danh mục BHYT, kê đơn điều trị... Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, để hạn chế tối đa tiêu cực trong việc đấu thầu thuốc tập trung, chính đơn vị trúng thầu sẽ làm nhiệm vụ phân phối thuốc đến các BV, cơ sở y tế sử dụng. Cơ quan đấu thầu thuốc tập trung không phải làm nhiệm vụ phân phối. Nên thành lập uỷ ban quốc gia đấu thầu thuốc gồm các bộ Công Thương, Tài chính, Y tế và Bảo hiểm xã hội để chọn giá thấp nhất và áp dụng thống nhất cho cả nước.

Nguồn Báo Lao động