Bảo hiểm thất nghiệp: “Phao cứu sinh” thời khủng hoảng
11/01/2013 09:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ở thời điểm chính sách Bảo hiểm thất nghiệp mới được ban hành (1-1-2009), nhiều DN và người lao động tỏ ra không mấy mặn mà thì giữa lúc khó khăn như hiện nay, DN đã thấy được lợi ích và người lao động cũng xem đây là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua khó khăn.
Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động bị thất nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh:S.T
Cứu cánh cho lao động
Cuối năm 2012 nhu cầu lao động phổ thông ở nhiều ngành như: Dệt, may, da giày hiện không còn gay gắt như cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này cho thấy các DN phải tính toán chặt chẽ việc sử dụng lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong tình hình kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Do đó, nhiều DN không mở rộng quy mô. Mặt khác, nhiều DN do khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động, tinh lọc bộ máy nhân lực, khiến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tuy mới áp dụng thực hiện nhưng bảo hiểm thất nghiệp đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và trở thành một trong những phương tiện chính thống, chủ yếu của an sinh xã hội do Nhà nước điều hành.
Hiện mỗi ngày, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội tiếp nhận 3.000 - 4.000 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với số đăng ký tăng, số người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng từ 14.723 năm 2011 lên 18.105 người 11 tháng năm 2012 với số tiền hơn 198 tỷ đồng. Theo thống kê, trong 3 năm (2009-2012) thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có gần 43.000 người đến đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 36.000 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã chi trả hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 295 tỷ đồng.
Đặc biệt, không chỉ lao động phổ thông mà những người có chuyên môn, thu nhập cao cũng tìm đến bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn. Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2012, số lao động phổ thông đến đăng ký chiếm 53%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 35%. Trong các loại hình DN thì đối tượng đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp thuộc loại hình DN TNHH chiếm đến 60%, công ty cổ phần chiếm 33% và các loại hình DN khác chiếm 7%.
Thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP. HCM cho thấy, 11 tháng đầu năm 2012, tại TP. HCM có khoảng 130.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2011, trung bình mỗi tháng trên địa bàn thành phố có khoảng 11.000 người thất nghiệp.
Gia tăng tình trạng nợ đọng
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp triển khai nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập người lao động bị mất do thất nghiệp; hỗ trợ người lao động về bảo hiểm y tế, học nghề, tìm việc làm, giúp họ nhanh chóng trở lại thị trường lao động.
Tuy được coi là biện pháp hỗ trợ tích cực cho lao động thất nghiệp nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (trong đó có nợ bảo hiểm thất nghiệp) ngày càng gia tăng.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 10-2012, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, DN đã lên đến 8.492,7 tỷ đồng, tăng 2.047,2 tỷ đồng (31,8%) so với cùng kỳ năm 2011. Trong số này, nợ bảo hiểm xã hội là 6.554,1 tỷ đồng (trong đó: nợ bảo hiểm thất nghiệp là 410,8 tỷ đồng, riêng ngân sách các địa phương nợ 256,7 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng số nợ bảo hiểm thất nghiệp), tăng 500,9 tỷ đồng so với tháng 9-2012.
Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra hầu hết ở các địa phương và ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng cả số đơn vị, số tiền. Nhiều đơn vị để nợ đọng trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Không ít trường hợp chủ DN trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì DN mới chịu nộp. Đáng chú ý, nợ bảo hiểm thất nghiệp ở khu vực hành chính, sự nghiệp lại phổ biến hơn ở các khối ngành nghề khác.
Đặc biệt, hiện nay diễn ra tình trạng nhiều người lao động chỉ đến cơ quan bảo hiểm để nhận khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp mà quên mất những khoản hỗ trợ khác ngoài trợ cấp bằng tiền. Một phần trong hoạt động của bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ người lao động học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, khoản chi hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề để đào tạo người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lại rất thấp, số lượng người học nghề để tìm kiếm công việc mới càng thấp hơn, chỉ bằng 0,2% so với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sắp tới, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội sẽ xây dựng thêm các chi nhánh, phòng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp để nhận đăng ký, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ như hiện nay. Đồng thời, công tác hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm cho lao động sẽ được chú trọng hơn nữa, trong bối cảnh người thất nghiệp có xu hướng tăng lên.
Nguồn Báo Hải quan
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT