Châu Á trước nguy cơ cạn quỹ lương hưu
09/01/2013 07:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước tình trạng già hóa dân số nhanh, nhiều nước châu Á đang phải đứng trước tình trạng quỹ lương hưu cạn kiệt do nguồn thu không đủ để bảo đảm cho lực lượng người hưởng lương hưu ngày càng gia tăng.
Khoảng chênh lệch giữa khoản tiền trong két của các quỹ lương hưu tại châu Á và nhu cầu phải bảo đảm cho số người cao tuổi về hưu đang ngày càng được nới rộng. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu các nước châu Á không nhanh chóng cải tổ chính sách trợ cấp hưu trí và phúc lợi xã hội, nguy cơ thiếu nguồn tài chính để duy trì chính sách này sẽ sớm xảy ra.
Sri Wening Handayani, chuyên gia về các vấn đề xã hội của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết số người cao tuổi sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tầng lớp nghèo ở châu Á. Đến giữa thế kỷ này, người cao tuổi tại châu Á - Thái Bình dương sẽ đông hơn người lao động, lực lượng phải làm việc để nuôi sống họ. Đây rõ ràng là một thách thức về chính sách lớn cho nhiều nước trong khu vực.
Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu (OECD) nhận xét hệ thống trợ cấp xã hội nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương không thể tiếp tục hoạt động một cách bền vững trong dài hạn và châu Á ngày càng già nua sẽ phải đối mặt với vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội cần phải nhanh chóng giải quyết.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình do tốc độ lão hóa dân số nhanh kỷ lục. Năm 2010 thống kê cho thấy có khoảng 110 triệu người trên 65 tuổi, nhưng đến năm 2030, Liên Hợp quốc dự báo dân số già ở nước này có thể tăng thêm 100 triệu người nữa. Đến năm 2050, một phần tư dân số Trung Quốc là người già. Theo một đánh giá mới, trong 20 năm nữa quỹ phúc lợi Trung Quốc sẽ thiếu tới 10.000 tỷ đôla để có thể bảo đảm cho tất cả những người già có thu nhập, so với khoảng 2,6 nghìn tỷ đôla năm 2010. Mặc dù số tiền để dành của người dân ước tính khoảng 3 nghìn tỷ đôla, lớn nhất trên thế giới, nó không đủ để lấp đầy khoảng trống quá lớn và có xu hướng ngày càng rộng ra. Hiện nay, hàng triệu người lao động tại nông thôn chỉ được hứa hẹn nhận trợ cấp lương hưu khoảng 55 nhân dân tệ (8,8 đôla), trong khi công chức có thể thu nhập đến hơn 5.000 tệ (gần 800 đôla).
Không chỉ có Trung Quốc, nhiều nước châu Á khác đang đứng trước những lỗ hổng lớn về ngân sách phúc lợi xã hội, đặc biệt là lương hưu. Tại Inđônexia, quốc gia có dân số khá trẻ, hệ thống lương hưu chỉ đủ cung cấp cho 14% người lao động làm việc trong khu vực tư nhân. Ngay cả ở Việt Nam, hệ thống an ninh xã hội chỉ cung cấp được cho 20% công nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân. Tổ chức lao động thế giới (ILO) cảnh báo quỹ lương hưu Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và có thể cạn kiệt vào năm 2029 (TTXVN).
Trung bình ở các nước OECD, 70% lao động được tham gia bảo hiểm xã hội và quỹ lương hưu, nhưng ở châu Á tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều, khoảng 11% tại Nam Á và 37% ở Đông Á. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ giữa thu nhập sau và trước khi về hưu ở châu Á tương đối thấp, chỉ khoảng 40%. Tỷ lệ này ít nhất phải đạt 70% để bảo đảm không làm giảm quá nhanh mức sống của người hưởng lương hưu.
Theo các chuyên gia, giải pháp để tăng nguồn thu có thể là cho phép các quỹ phúc lợi xã hội đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn. Một số nước như Indonesia, Philippin chỉ cho phép đầu tư một phần rất nhỏ quỹ hưu trí vào các tài sản rủi ro như chứng khoán, phần lớn còn lại dành vào các khoản dài hạn nhưng tương đối chắc chắn như trái phiếu chính phủ. Tại Ấn Độ, quỹ hưu trí chỉ đầu tư chưa đến 15% vào cổ phiếu. Nhiều nước bắt đầu tham gia mạnh dạn hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức bù đắp cho nhu cầu trong tương lai.
Một giải pháp khác là nâng độ tuổi về hưu, tuy nhiên nhiều nước lo ngại vấn đề chắc chắn sẽ mất lòng dân này gây phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Độ tuổi về hưu trung bình của nam giới ở châu Á - Thái Bình dương là khoảng 59 tuổi, phụ nữ là 57. Nhật Bản là ví dụ cụ thể nhất cho thấy điều này khó thực hiện đến mức nào. Đầu năm nay, chính phủ Nhật đã phải hoãn đề nghị tăng độ tuổi về hưu của nhân viên các cơ quan chính phủ từ 60 lên 65 tuổi. Thay vào đó, họ lựa chọ phương án cho phép nhân viên được quyền quyết định có chấp nhận ở lại đến năm 65 tuổi và chỉ nhận mức lương thấp hơn, hay không.
Không ai muốn làm việc dài hơn hay bị cắt giảm thu nhập, do đó, rất khó đưa ra quyết định cải tổ chế độ hưu trí khi biết chắc sẽ có hàng loạt cuộc biểu tình sẽ nổ ra đằng sau. Nhưng nếu không cải tổ sớm, lỗ hổng trong quỹ lương hưu tại châu Á sẽ ngày càng sâu sắc thêm./.
Theo Đại biểu nhân dân
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT