“Nhen nhóm” hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ: Cơ hội việc làm cho người lao động

19/06/2013 03:13 AM


Hàng loạt khu công nghiệp hỗ trợ đang hình thành đã mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vốn vừa thiếu vừa yếu của Việt Nam.


Nhiều khu công nghiệp hỗ trợ thành lập

Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Ishizaki Yoshitomo, người sáng lập Tập đoàn Takako Nhật Bản, Chủ tịch Công ty TNHH Takako Việt Nam đã chia sẻ mong muốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Nội dung đặc biệt là xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ dập, đúc ở Việt Nam. Bởi vì dù nhu cầu lớn nhưng thực tế Việt Nam chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu này. Ông Ishizaki Yoshitomo chia sẻ: "Hiện nay các công ty ở Việt Nam đã sản xuất ra được sắt, thép. Tuy nhiên, dùng sắt, thép để sản xuất, đúc, dập ra những linh kiện thậm chí là thô sơ thì Việt Nam vẫn chưa làm được. Những linh kiện này vẫn đang phải nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… với giá thành cao. Trong khi đó, Việt Nam có những tiềm lực để phát triển ngành công nghiệp này".

Tại Bắc Giang, mới đây, Công ty cổ phần Phát triển FUJI Việt Nam đã được nhận Giấy chứng nhận đầu tư để triển khai xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, một khu công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản. Dự án có diện tích giai đoạn I là 26,95 ha, với tổng vốn đầu tư gần 107 tỉ đồng (tương đương hơn 50 triệu USD). Theo kế hoạch, khu công nghiệp này sẽ bắt đầu thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thuê đất từ tháng 10-2013. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đông Á Châu Đức cũng đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư Cụm công nghiệp chuyên sâu Đá Bạc nhằm thu hút lĩnh vực CNHT từ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp Đá Bạc sẽ thu hút khoảng 30 - 50 nhà đầu tư lớn nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực CNHT. Còn ở Hà Nội, cuối năm 2012, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp) đã khởi công xây dựng Khu CNHT Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên) với quy mô khoảng 600 ha. Dự kiến thu hút khoảng 200 nhà đầu tư lớn nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực CNHT và một số ngành công nghiệp lắp ráp tạo thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh ngay trong nội bộ khu công nghiệp.

Quan trọng là duy trì hoạt động

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả đạt được chưa cao. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hợp tác để phát triển ngành này tại Việt Nam. Trước đề nghị xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho dập, đúc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định việc xây dựng khu công nghiệp là không khó. Quan trọng là phải thu hút đầu tư, duy trì hoạt động tại những khu công nghiệp mới là bài toán khó. Băn khoăn của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải không có lí. Bởi vì một báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương đã chỉ rõ: Hiện nay, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNHT chủ yếu là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Môi trường đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế và các doanh nghiệp thực sự chưa tính toán được mức lợi nhuận so với chi phí đầu tư nên chưa mặn mà với hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Mới đây, để có “bệ đỡ” cho CNHT, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải kiến nghị với Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực CNHT. Theo đó, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư. “Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện về hạ tầng, pháp lí cho các nhà đầu tư. Việc xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp dập, đúc nói riêng đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Có thể nói, từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp hỗ trợ (khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản số 1 do Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư năm 2009), đến nay rất nhiều khu công nghiệp hỗ trợ chuẩn bị được xây dựng là một bước tiến lớn cho ngành CNHT. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc xây dựng và lấp đầy các khu công nghiệp này như băn khoăn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ có thể được rút ngắn khi có được sự quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước dành cho lĩnh vực này.

Bà Rịa- Vũng Tàu đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với chế độ ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Áp dụng chế độ ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các đối tượng là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT; miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để phục vụ sản xuất cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Theo Vn Economy