Sẽ quản lý giá thuốc tận gốc

19/06/2013 03:01 AM


Bộ Công Thương làm đầu mối cung cấp thông tin giá thuốc tại các nước trong khu vực, thế giới. Bộ Tài chính cung cấp giá CIF.


Đây là những điểm hoàn toàn mới so với Luật Dược hiện hành do Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Theo dự thảo, Chính phủ thành lập hội đồng liên ngành về giá thuốc gồm Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan để tư vấn và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các chính sách, biện pháp quản lý về giá thuốc.

Theo phân công, Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng nguyên tắc xem xét giá thuốc kê khai, kê khai lại. Cung cấp cho Bộ Y tế thông tin về giá nhập khẩu (giá CIF = giá gốc + phí vận chuyển + bao hiểm) thực tế của thuốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ Công Thương làm đầu mối, phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra, kiểm soát và chống đầu cơ lũng đoạn thị trường đẩy giá thuốc lên cao nhằm thu lợi bất chính. Kiểm tra, giám sát hoạt động cạnh tranh, chống độc quyền về giá thuốc và các hành vi khác liên quan tới giá thuốc vi phạm pháp luật cạnh tranh. Cung cấp thông tin giá thuốc tại các nước trong khu vực, thế giới để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá thuốc.

Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc xem xét giá thuốc do cơ sở sản xuất, nhập khẩu kê khai, kê khai lại...

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn quản lý về giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước...

Theo Duy Tính (Pháp luật TPHCM)