Họp Đoàn giám sát của Quốc hội về BHYT
27/02/2013 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để chuẩn bị cho chương trình giám sát tối cao về BHYT theo kế hoạch, ngày 25/02/2013, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức họp Đoàn giám sát của Quốc hội về BHYT nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên đoàn giám sát bao gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Y tế, Tài chính, Lao động Thương binh&Xã hội, Giáo dục và BHXH và các chuyên gia về lĩnh vực BHYT được Ủy ban Các vấn đề xã hội mời tham gia Đoàn giám sát.
Khai mạc cuộc họp, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: BHYT là chính sách an sinh trụ cột quan trọng trong hệ thống chính sách An sinh xã hội của Quốc gia. Ngày 01/7/ 2009, Luật BHYT có hiệu lực thi hành đánh dấu một bước phát triển quan trọng chính sách BHYT của nước ta. Tuy nhiên, sau hơn 03 năm tổ chức thực hiện, Luật BHYT cũng đã bộc lộ một số bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách. Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT nhằm đánh giá những kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012 và chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, từ đó xem xét sửa đổi Luật BHYT vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013.
Báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên trình bày đã khái quát những thành tựu cơ bản sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Những quy định của Luật BHYT được đưa vào cuộc sống đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 06 tuổi. Diện bao phủ BHYT được mở rộng với 66,8% dân số có BHYT; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm; tổ chức hệ thống và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và thực hiện chính sách BHYT dần được củng cố và phát triển; quỹ BHYT từng bước cân đối thu – chi; chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân... Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, hạn chế và vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đó là việc tuân thủ pháp luật của đối tượng tham gia BHYT còn chưa cao thể hiện ở tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm có trách nhiệm tham gia còn thấp (người lao động trong doanh nghiệp mới chỉ đạt 49,9%; người cận nghèo đạt 18,9%; học sinh, sinh viên đạt 80,4%...); chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng quá tải ở y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đang là một thách thức, lạm dụng xét nghiệm dẫn đến tăng chi phí y tế, lãng phí Quỹ khám, chữa bệnh BHYT; những vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện quy định cùng chi trả.v.v... cũng là những vấn đề cần được giải quyết. Từ những tồn tại, vướng mắc, Bộ Y tế cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT theo các nhóm vấn đề: sắp xếp lại các nhóm đối tượng tham gia BHYT, triển khai BHYT toàn dân gắn với triển khai BHYT theo hộ gia đình với một số đối tượng; làm rõ mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng; sửa đổi, bổ sung một số điều về phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh với các cơ sở y tế, về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Cùng với việc đề nghị Luật cần quy định rõ hơn về nội dung cũng như phạm vi của thanh tra y tế, Bộ Y tế cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền hạn, trách nhiệm thanh tra, xử lý vi phạm cho Tổ chức BHYT trên một số nội dung...
Đại diện các bộ, ngành trả lời chất vấn của các thành viên đoàn giám sát, làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT
Tại cuộc họp, các đại biểu Quốc hội, thành viên đoàn giám sát đã đưa ra nhiều câu hỏi với các bộ, ngành chức năng nhằm làm rõ thêm những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách. Nhiều đại biểu cũng phản ánh nhiều câu hỏi của cử tri cả nước về những vấn đề bức xúc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng, cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám, chữa bệnh BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đối tượng tham gia BHYT; vi phạm pháp luật chính sách BHYT, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.../.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT