9 đơn vị y tế thí điểm quản lý giá thuốc theo cách mới

28/02/2013 09:50 AM


(chinhphu.vn) - Theo Thông tư 06/2013/TT-BYT, từ ngày 1/4/2013, 9 đơn vị sẽ áp dụng thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với các thuốc do ngân sách Nhà nước và Quỹ BHYT chi trả.


Cụ thể, 9 đơn vị thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng bao gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện C Đà Nẵng, Sở Y tế Bắc Ninh, Sở Y tế Hải Phòng, Sở Y tế TP Đà Nẵng, Bệnh viện Nhân dân 115 - TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Thanh Nhàn – TP Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Phú Thọ. Các hoạt chất áp dụng thí điểm gồm: 1- Amoxicilin + Acid clavulanic (hoặc muối clavulanat); 2- Cefepim; 3- Cefoperazon; 4- Cefoperazon + Sulbactam; 5- Ceftazidim; 6- Ceftriaxon; 7- Cefuroxim; 8- L-Ornithin L-Aspartat; 9- Levofloxacin; 10- Omeprazol; 11- Oxaliplatin; 12- Paclitaxel.

Các mặt hàng chứa các hoạt chất được áp dụng thí điểm phải đảm bảo 4 nguyên tắc: 1- Có giá trị sử dụng lớn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2- Trúng thầu cung ứng ở nhiều bệnh viện; 3- Có giá chênh lệch nhiều giữa các mặt hàng cùng hoạt chất, cùng nồng độ hoặc hàm lượng, cùng dạng bào chế; 4- Nhiều mặt hàng chứa hoạt chất này có tỷ lệ chênh lệch cao giữa giá bán với giá gốc.

Giá các mặt hàng thuốc chứa hoạt chất được thí điểm

Giá các mặt hàng thuốc chứa hoạt chất được áp dụng thí điểm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các quy định sau:

Mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu của mặt hàng thuốc chứa hoạt chất được áp dụng thí điểm so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó không được vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo quy định.

Trong trường hợp mặt hàng thuốc xét đề nghị trúng thầu (mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất) theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BYT-BTC có mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng thì Thủ trưởng đơn vị được tiến hành thí điểm phải tiến hành đàm phán với nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất để bảo đảm mức chênh lệch này không vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo quy định. Trong trường hợp việc đàm phán giá không đi đến thống nhất nhưng mặt hàng thuốc vẫn cần thiết cho nhu cầu sử dụng của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị báo cáo về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết trên nguyên tắc bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.

Được biết, thặng số bán buôn tối đa toàn chặng được tính bao gồm các chi phí và lãi tối đa cho toàn bộ giai đoạn từ nhập khẩu tới bán buôn. Đây được coi là biện pháp có hiệu quả để chống tình trạng mua bán thuốc lòng vòng qua các tầng nấc trung gian, chi phí ngầm và đẩy giá thuốc lên cao.

Thặng số bán buôn tối đa toàn chặng là quy định về mức chênh lệch tối đa được phép của giá bán buôn thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước so với giá trị gốc của thuốc.