Chất xám chuyển dịch sang phía Đông
19/02/2013 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nếu vào năm 2000, số sinh viên tốt nghiệp ở các nước phát triển là 51 triệu, trong khi các nước đang trỗi dậy chỉ là 39 triệu, thì thống kê năm 2012 cho thấy các con số lần lượt là 69 triệu và 73 triệu.
Theo dự báo của OECD, đến năm 2020, 40% trên tổng số 204 triệu sinh viên của các nước thành viên OECD và của nhóm G.20 sẽ đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, trong lúc Mỹ và châu Âu chỉ còn chiếm 1/4 tổng số này. Các chuyên gia của OECD giải thích yếu tố dẫn đến xu hướng này là sự hội nhập các nước đang vươn lên vào kinh tế thế giới. Sự phát triển kinh tế ở các quốc gia này tạo ra một tầng lớp trung lưu, thúc đẩy con cái mình trên con đường học vấn, và yếu tố này cũng tác động lại đến tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Đáng chú ý, châu Á bắt đầu tìm cách thu hút sinh viên nơi khác đến học, một điểm mới mà nhiều chuyên gia xem là một “cuộc cách mạng”. Trung Quốc, theo bài báo, muốn khẳng định “quyền lực mềm” của mình đã đặt ra chỉ tiêu đón 500.000 sinh viên quốc tế mỗi năm, từ nay đến năm 2020. Làn sóng người lao động di cư sang Mỹ, châu Âu trở về quê hương cũng như những lao động từ những quốc gia phát triển đến các quốc gia mới nổi tìm cơ hội việc làm ngày càng nhiều. Sức hút của châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi ngày càng lớn với những chính sách thu hút nguồn nhân lực đầy hấp dẫn.
Nỗ lực thu hút nhân tài về nước cũng như người nước ngoài thể hiện rõ nhất ở các quốc gia BRICSgồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Theo CS Monitor, từ năm 2010 đến 2012, số người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Brazil tăng 50%, phần lớn đến từ các quốc gia châu Âu đang gặp vấn đề về nợ công. Sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin (IT) đã thu hút rất nhiều các công ty nước ngoài tới đầu tư tại 74 khu công nghệ cao của Brazil. Sau nhiều năm thay đổi chính sách, Brazil từ một quốc gia có nhiều người dân di cư nay đã thành một điểm đến an toàn cho người nhập cư. Hiện đang có 2 triệu chuyên gia IT ở nước này và dự kiến sẽ bổ sung 900.000 chuyên gia vào năm 2022.
Bài học ở Ấn Độ thú vị hơn. Nước này là quốc gia có chính sách thu hút kiều bào sớm nhất. Năm 1998, Ấn Độ phát hành trái phiếu kiến thiết Ấn Độ chỉ dành cho Ấn kiều và thu hút 4,2 tỷ USD để phát triển kinh tế. Năm 1999, Ấn Độ ban hành quy chế “quasi-citizenship” cho phép Ấn kiều được hưởng quyền lợi như công dân trong nước, ra vào Ấn Độ không cần thị thực, được quyền sở hữu nhà đất tại Ấn Độ và hưởng các ưu đãi đầu tư chỉ dành cho Ấn kiều. Và chỉ riêng trong lĩnh vực IT, chỉ trong vài năm, từ 2001 - 2006, nước này đã hút được hơn 30.000 kỹ sư từ Mỹ về Ấn Độ, biến nước này thành trung tâm IT ở châu Á.
Ở Trung Quốc, chiến lược thu hút chất xám có chút khác biệt. Trung Quốc đang đẩy mạnh thu hút các chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực. Đề án kéo dài 10 năm nhằm thu hút 1.000 chuyên gia có tay nghề cao từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc tại Trung Quốc đã chính thức được khởi động. Những chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc trong khuôn khổ đề án trên được hỗ trợ ban đầu khoảng 1 triệu Nhân dân tệ (NDT), tương đương với 157.700 USD. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng có thể được nhận khoản tài trợ dành cho nghiên cứu khoa học vào khoảng từ 3-5 triệu NDT. Ở Nam Phi cũng có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở thị trường tăng trưởng, an ninh chính trị được bảo đảm, cơ hội đầu tư hấp dẫn cũng đã thu hút 6.000 người về nước kể từ năm 2004.
Từ nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, người lao động ngày nay đã nhìn thấy được thực chất cơ hội việc làm. Một khi nhận được sự đầu tư nghiêm túc với khả năng “dụng võ”, ưu tiên làm việc tại quê nhà vẫn được đưa lên hàng đầu.
Theo KT&ĐT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT