Người Việt dùng thuốc Việt: Bao giờ thành hiện thực?

18/02/2013 08:38 AM


Tháng 12/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Với mục tiêu đến năm 2015- 2020 sẽ có 60% bệnh viện dùng thuốc nội, 100% doanh nghiệp dược đạt 3 tiêu chuẩn (GMP, GSP và GLP), Bộ Y tế đã đưa ra 6 giải pháp nhằm hiện thực hóa đề án trên. Tuy nhiên, với tỷ lệ bao phủ 45% ở các bệnh viện hiện nay, việc đạt được mục tiêu đề ra là cả một quá trình.


Sử dụng thuốc nội hay thuốc ngoại vẫn do tâm lý người dùng

Thuốc nội mới đáp ứng trên 50% nhu cầu sử dụng thuốc

Thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2012 cả nước có 110 cơ sở sản xuất thuốc- mỹ phẩm và 4 cơ sở sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt), 114 cơ sở đạt GLP (hệ thống an toàn phòng thí nghiệm). Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu và 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo Thứ trưởng  Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bên cạnh các loại thuốc thông thường như trị cúm, kháng sinh, kháng viêm, các doanh nghiệp dược trong nước cũng bắt đầu “vươn” tới những loại thuốc trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, thần kinh. Do có cùng nguồn gốc nguyên liệu với thuốc ngoại lại được sản xuất trong nước nên thuốc nội rẻ hơn thuốc nhập khẩu rất nhiều. Nhiều loại thuốc trong nước giá chỉ bằng một nửa, thậm chí thấp hơn một nửa so với loại thuốc tương đương được nhập khẩu. Chất lượng tương đương, giá rẻ là những lợi thế của thuốc nội nhưng thuốc nội hiện mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu sử dụng thuốc. Trên thị trường, thuốc nội chưa áp đảo được thuốc ngoại, trong bệnh viện, thuốc nội cũng đang “lép vế”. Cụ thể, theo thống kê của ngành y tế, năm 2010, tổng số tiền mua thuốc của các bệnh viện công lập là 15.000 tỷ đồng, trong đó, chưa đến 39% dành để mua thuốc nội. Đặc biệt ở các bệnh viện (BV) tuyến trung ương, số tiền mua thuốc nội chỉ chiếm 12%, còn tại tuyến huyện cao nhất cũng chỉ chiếm gần 62%. Đến năm 2012, tỷ lệ bệnh viện sử dụng thuốc nội cũng không mấy khả quan (10-20% ở bệnh viện tuyến TW và 45% ở các bệnh viện nói chung).

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó không thể kể đến tình trạng “lũng đoạn” của các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc bằng việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ để các trình dược viên “cầm tay” bác sĩ kê đơn thuốc mà báo chí đã từng phản ánh. Tiếp theo đó là tâm lý thích dùng thuốc ngoại của người dân. Với quan niệm “tiền nào của đấy”, người dân khi mắc bệnh luôn muốn dùng thuốc tốt, ít phản ứng phụ. Từ quan niệm trên cũng cho thấy nhiều điều, thứ nhất rõ ràng thuốc nội đôi khi còn gây phản ứng phụ, thứ 2 là thuốc nội tuy nhiều nhưng lại trùng lặp, chủ yếu vẫn là thuốc chữa bệnh thông thường, ít thuốc chữa bệnh đặc hiệu…

Để của rẻ không là của ôi

Thuốc sản xuất trong nước rẻ hơn thuốc nhập ngoại là lợi thế lớn. Nhưng rõ ràng người bệnh không chỉ quan tâm đến giả cả mà chất lượng thuốc, chủng loại thuốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc chiếm lĩnh thị trường và lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Nhìn một cách tổng thể, thị trường thuốc Việt hiện nay có khá nhiều những “chướng ngại vật”, trong đó vấn đề về nguyên liệu vẫn chủ yếu nhập từ nước ngoài nên không chủ động được về giá cũng như chất lượng và sự ổn định của dược liệu, thêm một vấn đề nữa là vấn nạn thuốc giả chưa kiểm soát được gây nên tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng khi lựa chọn thuốc Việt. Khâu kiểm nghiệm thuốc cũng còn hạn chế. Việt Nam hiện chưa có trung tâm kiểm tra, thử tương đương sinh học với những thuốc đã hết thời hạn độc quyền nên những thuốc đặc trị sản xuất ra không có bằng chứng về độ an toàn trong khi đó đây lại là yếu tố để các bác sĩ dựa vào để kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Quảng bá sản phẩm cũng là một điểm yếu của các doanh nghiệp dược hiện nay. Nếu như  các công ty nước ngoài thường xuyên tổ hội thảo giới thiệu thuốc, tạo khả năng tiếp cận thông tin về thuốc ngoại cho cán bộ y tế thì thuốc nội ít tổ chức mô hình quảng bá này. Việc tuyên truyền thuốc nội lại quá đơn giản, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thông thường có nguồn gốc từ dược liệu trong khi đó người tiêu dùng lại mong muốn các doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm của mình an toàn, hiệu quả không kém gì thuốc ngoại.

Trước những bất cập của ngành dược hiện nay, việc phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là một cơ hội vàng chia đều cho các doanh nghiệp dược để chứng minh với người tiêu dùng về chất lượng và hiệu quả của thuốc nội. Nếu doanh nghiệp dược không biết tranh thủ tận dụng cơ hội vàng này khẳng định chất lượng, thương hiệu để có được vị trí vững chãi trong lòng người tiêu dùng thì thuốc nội mãi mãi “thua trên sân nhà”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, cuộc phát động trên cũng là dịp để tác động vào việc kê đơn của thầy thuốc, khuyến khích các bệnh viện dùng thuốc nội. Nhưng để có kết quả trên thì trước hết việc các doanh nghiệp dược  cần làm ngay là nâng cao chất lượng, cạnh tranh về giá và cải tiến mẫu mã để người Việt tin dùng thuốc Việt.

Theo GD&TĐ