Thái Lan: Ngân hàng của làng dành cho người dân nghèo

18/01/2013 12:39 AM


(SGTT) - Mô hình tài chính vi mô đã đến được với hầu hết người dân nghèo các làng tại Thái Lan.


Một gia đình nghèo ở Chiangmai (Thái Lan)

Bà Orapin Yaemyai muốn bán chả cá ở chợ để tăng thu nhập cho gia đình. Bà tới một người chuyên cho vay ở địa phương và chẳng bao lâu đã bị cuốn vào vòng xoáy những khoản thanh toán với lãi suất cao ngất trời. "Đầu tiên tôi có thể trả họ mỗi ngày. Nhưng rồi khách hàng bắt đầu nhàm chán món ăn đó, vì thế tôi nghĩ là tôi phải tạo ra một cái gì mới, thế là tôi vay thêm tiền. Nợ thành chồng chất, vượt quá khả năng trang trải của tôi", người phụ nữ 34 tuổi và là mẹ của hai con, kể. Nay bà Yaemyai không cần phải tìm đến những người cho vay lãi vì đã có thể được hưởng phúc lợi từ Quỹ Làng xã - một cơ chế tài trợ cho vùng nông thôn Thái Lan do cựu Thủ tướng Thái, ông Thaksin Shinawatra, lập ra cách đây 10 năm. Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra tái khởi động dự án này "Mỗi làng một quỹ giai đoạn 3" nhằm hỗ trợ người dân có thể tiếp cận vốn trực tiếp từ chính phủ.

Có khoảng 120.000 sáng kiến tài chính vi mô trên toàn thế giới, nhưng "Quỹ Làng và Quỹ Quay vòng đô thị” của Thái Lan tính đến nay là quỹ lớn nhất. Danh mục đầu tư dư nợ cho vay của đề án này đạt 4,9 tỷ USD trong năm 2011, số lượng khách hàng vay hoạt động năm đó đứng ở mức 8,5 triệu người. Các con số này dự kiến tăng hơn dưới thời Yingluck Shinawatra. Bà đã công bố kế hoạch vào cuối năm ngoái để bơm 2,6 tỷ USD trong vốn bổ sung vào mạng lưới gần 80.000 ngân hàng làng. Mặc dù chương trình này được tài trợ bởi chính phủ và các quỹ trung gian như Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC), nhưng quỹ của mỗi làng được điều hành bởi một ủy ban địa phương, ra quyết định về cho vay và lãi suất. Người dân thường được vay khoảng 20.000 baht (656 USD) mà không cần tài sản thế chấp. Theo thống kê, hiện nay, 80.000 làng tại Thái Lan đều được cấp vốn theo dự án.

Tuy nhiên, dự án này có nhược điểm, đặc biệt những người chỉ trích cho rằng đây là công cụ cho các nhóm chính trị. Về mặt kinh tế, chi phí cho dự án này cao hơn 30% so với một chương trình cho vay trực tiếp. "Nó tốt với ai đã có cơ sở kinh doanh hoặc với ai bị tai nạn về tài chính. Nhưng không có tác dụng gì với những người vay tiền để trả nợ", nhóm chỉ trích nhận định. Cho đến nay, bà Yingluck Shinawatra cùng đảng Pheu Thai đã cố gắng thực hiện lời hứa trong thời gian tranh cử là nâng cao thu nhập của giới nông dân, và phát triển những khu vực nông thôn còn nghèo khó trên khắp nước Thái Lan. Giáo sư Chalongphob Sussangkarn thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan bày tỏ nỗi lo là những chính sách theo chủ nghĩa dân túy của bà Shinawatra tuy hợp lòng đa số người dân, nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế và tài chính của đất nước. Chẳng hạn, kế hoạch tăng lương tối thiểu lên mức 300 baht/ ngày (tăng 40-50% so với mức hiện nay) có thể gây ra những phản ứng phụ vì doanh nghiệp sẽ giảm bớt việc thuê mướn nhân công. Các chuyên gia kinh tế còn lo rằng việc tăng lương này làm giảm tính cạnh tranh của Thái Lan khi Cộng đồng Kinh tế khối ASEAN hình thành vào năm 2015.

Mặc dù vậy, với những người như bà Orapin Yaemyai thì khoản vay 20.000 baht từ Quỹ Làng xã thực sự cứu giúp gia đình của bà khỏi vòng xoáy nghèo khổ bất tận. Vì thế, dự án vẫn được các chính phủ kế tiếp ủng hộ và thậm chí mở rộng. Dự kiến, vào năm 2016, Quỹ Làng xã sẽ hỗ trợ 20 triệu người và hình thành "dịch vụ một cửa" để giải quyết các vấn đề tài chính ở cấp làng.