Lao động trốn bất hợp pháp ở nước ngoài bị phạt tới 100 triệu đồng

08/05/2013 09:26 AM


(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất mức phạt lao động ở lại cư trú bất hợp pháp lên tới 100 triệu đồng; đối với tổ chức cao nhất là 200 triệu đồng.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Đây là thông tin được ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỉ lệ lao động (LĐ) hết hạn hợp đồng LĐ tại Hàn Quốc không về nước. Hội nghị được tổ chức trước tình trạng người lao động hết hạn cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài đang là nỗi nhức nhối của ngành lao động, khiến công tác XKLĐ càng gặp nhiều khó khăn trong hơn 1 năm qua.

Theo ông Hải, để ngăn chặn tình hình diễn biến xấu hơn, Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Trung tâm LĐ ngoài nước phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với người LĐ đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước. Dự kiến đến quý 4 năm nay, dự thảo sẽ trình Chính phủ ban hành.

Ông Hải nhận định, hiện mức phạt 44 triệu đồng áp dụng cho cả tổ chức và cá nhân sai phạm trong lĩnh vực xuât khẩu lao động là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Theo đó Cục đề xuất mức phạt đối với LĐ ở lại cư trú bất hợp pháp lên tới 100 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm mức vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu LĐ cao nhất là 200 triệu đồng. Được biết phía Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo quyết liệt để xây dựng xong sớm và sẽ thực thi trong thời gian tới.

Ngoài giải pháp trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ trình Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định tiền ký quĩ đối với người LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; đề xuất biện pháp hạn chế tuyển LĐ đi Hàn Quốc đối với địa phương không giảm được tỉ lệ LĐ hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc…

Tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước cuối quý I/2013 do phía Hàn Quốc thông báo là 50,7%. Tỷ lệ này dù đã giảm song vẫn còn cao và chưa đạt mục tiêu đề ra. Những tỉnh thành có tỷ lệ LĐ bỏ trốn ở lại, dẫn đầu vẫn là Nghệ An, Nam Định, Bắc Giang, Hà Tĩnh…