An toàn lao động bị “lãng quên”: Đùa với tử thần

04/05/2013 07:54 AM


Một thanh niên vừa bị thang máy cuốn chết, hai công nhân và một kỹ sư rơi xuống hồ xử lý chất thải thiệt mạng… Liên tiếp các vụ tai nạn đã xảy ra mà nguyên nhân chính vẫn là việc thờ ơ trước các quy định về an toàn, bảo hộ trong lao động.


Mất gần 3 giờ, lính cứu hộ mới đưa được thi thể anh Oai bị kẹt trong thang máy ra ngoài

Sau vài ngày nghỉ lễ đoàn tụ cùng gia đình, sáng 2/5, anh Hà Quốc Oai (17 tuổi) trở lại cửa hàng chuyên bán bu lông, ốc vít trên đường Ngô Quyền (phường 5, quận 10, TPHCM) để làm việc. Vào thang máy vận chuyển vật liệu từ tầng 5 của cửa hàng xuống phía dưới, khi thang đi đến tầng 4 thì Oai chui đầu ra ngoài, do bất cẩn nhấn nhầm nút điều khiển, Oai đã bị kẹt chặt đầu vào thang máy, gây tử vong tại chỗ.

Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Sở CS PCCC công an TP.HCM đã có mặt tại hiện trường dùng máy khoan, cắt sắt để tiếp cận. Mất gần 3 giờ, lính cứu hộ mới đưa được thi thể Oai ra ngoài. Được biết, thiếu niên này mới vào làm việc được khoảng 3 tuần. Sáng 2/5, sau ngày nghỉ lễ Oai trở lại làm việc thì gặp tai nạn.

Trước đó, vào trưa 24/4 tại hồ nước thải của công ty thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) cũng xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến kỹ sư Nguyễn Minh Tuân (29 tuổi, quê Sóc Trăng) và Hà Thanh Tài (24 tuổi, ngụ Long An) và Lê Phát Tài (28 tuổi, quê Long An, cùng là công nhân công ty Hào Dương) chết ngạt.

Cụ thể, khi kỹ sư Tuân và anh Hà Thanh Tài đang làm việc thì bị ngã xuống hồ xử lý nước thải. Nghe tiếng kêu cứu, anh Lê Phát Tài ở gần đó đã chạy đến, trèo xuống hồ cứu người nhưng cũng bị trượt chân ngã tử vong cùng 2 đồng nghiệp. Qua ghi nhận, hồ xử lý nước thải xảy ra vụ tai nạn lao động trên cao trên 5m, rộng khoảng 200 m2, bên trong chứa nhiều hóa chất bốc mùi nồng nặc rất khó thở. Vào thời điểm thi thể 3 nạn được lính cứu hộ tìm thấy đều không có có bảo hộ lao động.

Một vụ tai nạn lao động kinh hoàng khác cũng đã xảy ra vào đêm 11/3, tại một xưởng tái chế giấy không tên nằm trên đường Vườn Thơm (ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh). Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Đức (47 tuổi, bảo vệ xưởng). Thời điểm mọi người phát hiện, thi thể ông Đức đã bị cối xay giấy nghiền nát, đứt đoạn.

Còn vô số các vụ tai nạn lao động thảm thương khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm ly tán biết bao gia đình.

Đi tìm nguyên nhân?


An toàn lao động bị xem nhẹ, người lao động luôn đứng giữa làn ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết

Khảo sát thực tế, tại địa bàn TP.HCM có đến hàng trăm điểm bán bảo hộ lao động chuyên nghiệp nhưng một nghịch lý lại xảy ra khi nơi đây lại nằm trong “tốp” 10 tỉnh thành xảy ra tai nạn lao động cao nhất cả nước trong năm 2012.

Lý giải về vấn đề trên, theo đánh giá của Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM, thực tế hiện nay do nhiều doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí nên đã cắt giảm các khâu mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp khi bị thanh tra đều mắc phải các lỗi như: người lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm lại không được trang bị mặt nạ chống độc, không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hộ, không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân…Đặc biệt là việc sử dụng lao động thiếu chuyên môn trong lĩnh vực về điện, hàn.

“Bên cạnh việc các doanh nghiệp làm sai thì chính người lao động cũng chủ quan. Khi thấy chủ công ty, doanh nghiệp không trang bị bảo hộ lao động thì không yêu cầu hay trình báo dẫn đến nguy hiểm tính mạng khi làm việc” – Một cán bộ Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM cho biết.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp, công ty hiện nay có khá nhiều hình thức đối phó khi có đoàn thành tra đến. Thậm trên nhiều diễn đàn còn nhan nhản các thông tin như: “Chuẩn bị gì cho đợt thanh tra lao động?” ngay phía dưới là hàng loạt chỉ dẫn từ nhiều người có kinh nghiệm “né” các đoàn thạnh tra.


Những nhà xưởng kiểu này, an toàn lao động ở đâu? cũng tại đây, một bảo vệ đã bị cối xay giấy nghiền nát, chết thảm

Thống kê mới đây của Cục An toàn lao động, năm 2012 cả nước xảy ra gần 6.800 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6967 người bị nạn, làm chết 606 người, bị thương nặng 1470 người, nạn nhân là lao động nữ khoảng 1842 người, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng và chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM đứng đầu danh sách khi xảy ra 1.568 vụ làm 98 người chết.

Tuy nhiên, trong 552 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được biên bản điều tra của 149 vụ nhưng chỉ có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về an toàn lao động để xảy ra tai nạn lao động.

Theo Báo Dân trí