Khổ vì thoát nghèo: Chính sách bất cập, cán bộ xa dân

04/05/2013 07:34 AM


Đó là bài học rút ra từ chuyện chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) treo cổ quyên sinh vì cuộc sống quá túng quẫn và bế tắc.


Đại diện chi hội phụ nữ ấp thăm hỏi ba con của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân sau khi chị Nhân tự vẫn.

Theo quy định hiện hành, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; ở thành thị là có mức thu nhập từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng, thành thị từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Đây là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác. Dựa vào mức chuẩn này, cán bộ địa phương tính toán gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã thoát nghèo vì có thu nhập 5 triệu đồng/tháng (chia 5 nhân khẩu), cao hơn chuẩn nghèo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chị Nhân bị bệnh kéo dài, con đi học đại học, nhưng do đã thoát nghèo nên bị cắt bảo hiểm y tế, các con đi học cũng không còn được miễn giảm học phí. Với chị Nhân, thoát nghèo còn khổ hơn khi được công nhận là hộ nghèo.

Lỗi do đâu?

Ngày 1-5, ông Trần Đại Đoàn - bí thư Đảng ủy xã An  Xuyên, TP Cà Mau - cho biết đã chỉ đạo ban chỉ đạo xóa   đói giảm nghèo của xã rà soát lại trường hợp của gia   đình anh Bảo - chồng chị Mỹ Nhân, nếu đủ điều kiện thì    xét đưa vào hộ nghèo của xã, đồng thời tìm phương án    hỗ trợ lâu dài để các con anh Bảo không bỏ học giữa    chừng. Trả lời câu hỏi tại sao trước đây không giải quyết  chính sách hộ nghèo cho gia đình chị Nhân mà đến nay  mới xem xét, ông Đoàn giải thích: “Vào thời điểm năm  2012, khi ấp 5 tiến hành xét hộ nghèo, gia đình anh Bảo  không đạt vì thu nhập hai vợ chồng lúc này vượt quy định  hộ nghèo”.

Ông Đoàn cũng thừa nhận gia đình anh Bảo rất khó  khăn, cả vợ lẫn chồng nghề nghiệp không ổn định, đất  đai cũng không, nên càng gặp nhiều khó khăn hơn khi  bệnh chị Nhân ngày càng nặng và con đi học xa nhà.  “Qua việc này chúng tôi thấy chính sách còn bất cập, khó  uyển chuyển khi thực hiện. Theo tôi, cần điều chỉnh   chính sách hộ nghèo một cách thoáng hơn, không chỉ   căn cứ vào nội tại là về thu nhập mà phải tính đến yếu tố    ngoài xã hội khác như: phải nuôi con cái học hành,  bệnh tật kéo dài...” - ông Đoàn nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bạch Đằng - bí thư Thành ủy TP Cà Mau - cũng nói các tiêu chí tính toán hộ nghèo hiện nay chưa sát với thực tế cuộc sống, cần xem xét điều chỉnh cho hợp lý. Còn về cái chết của chị Nhân, ông Đằng khẳng định: “Dù sao đi nữa thì trách nhiệm vẫn là do cán bộ địa phương chưa sát với cuộc sống của người dân. Tới đây, TP Cà Mau sẽ có cuộc họp chấn chỉnh, yêu cầu lãnh đạo cơ sở phải gần dân, sát dân hơn, phải nắm rõ những diễn biến trong dân, đặc biệt là phải rút kinh nghiệm sâu sắc đối với trường hợp như chị Nhân”.

Theo ông Võ Hoàng Hiệp - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, để những sự việc tương tự không tái diễn, ngoài các chính sách liên quan chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền các cấp nên có một nguồn quỹ dự phòng (có thể là nguồn tiền ngân sách hoặc nguồn vận động, xã hội hóa) để kịp thời hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bệnh tật, bị thiên tai hoặc tai nạn. Sự hỗ trợ ấy tuy chỉ nhất thời nhưng rất có ý nghĩa trong việc giúp những hộ khó khăn vượt qua khúc ngặt của cuộc sống.

Bài học sâu sắc

Trao đổi với phóng viên về trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, bà Nguyễn Thị Khá - ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng đây là bài học sâu sắc cho các cấp chính quyền. Những người làm chính sách nhìn vào đó, sửa đổi những quy định chưa phù hợp để tránh những trường hợp tương tự xảy ra.

Theo bà Khá, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho chính quyền cấp cơ sở là họ đã thật sự chia sẻ và giải quyết đúng mực, thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của gia đình chị Nhân chưa? Bà Khá phân tích: “Nói rằng chồng đi làm phụ hồ mỗi tháng 3 triệu, vợ đi giúp việc gia đình mỗi tháng 2 triệu thì không đủ tiêu chuẩn để xếp hộ nghèo. Nhưng thử hỏi, nhà chị Nhân không có đất sản xuất, công việc mà hai vợ chồng đi làm mướn là rất bấp bênh, khi có việc thì làm, hết việc thì nghỉ, cuộc sống như vậy sao có thể gọi là thoát nghèo. Đó là chưa kể bản thân chị Nhân bệnh tật, ba cháu nhỏ lại đang tuổi học hành. Nhìn vào thực tế như vậy, thử hỏi có ai khẳng định hoàn cảnh gia đình chị không khó khăn, cùng cực. Vậy, khi đưa gia đình chị Nhân ra khỏi diện hộ nghèo, chính quyền địa phương dựa trên cơ sở nào, có vì bệnh thành tích hay không?”.

Câu hỏi thứ hai bà Khá đặt ra là dành cho cơ quan làm chính sách. Theo bà Khá, trường hợp chị Nhân cứ cho là đã thoát khỏi nghèo, nhưng có người bị bệnh kéo dài và nuôi các con đang đi học thì thực chất là họ đã rơi vào tình trạng nghèo. Bà Khá còn nói quy định hiện nay về hộ nghèo hay chuẩn nghèo là quá lạc hậu, “Bộ LĐ-TB&XH phải tính toán lại, đề nghị mức chuẩn nghèo mới phù hợp với thực tế, nhất là bao quát được các hoàn cảnh khác nhau trong xã hội”.

Bà Khá cũng đặt câu hỏi về việc xóa nghèo bền vững và chính sách đất đai. “Mục tiêu của chúng ta là xóa nghèo bền vững, hết nghèo rồi nhưng phải có kế sinh nhai mới đưa ra khỏi diện hộ nghèo. Với gia đình chị Nhân thì không thể coi là họ đã có kế sinh nhai bền vững. Nghề nghiệp bấp bênh, lúc khỏe thì bán sức lao động kiếm ăn, lúc bệnh tật thì không biết bấu víu vào đâu. Chị Nhân, cũng như không ít hộ gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long, tuy sống ở nông thôn nhưng không có tư liệu sản xuất - đó là đất đai. Đây là một trong những vấn đề xã hội rất cần được quan tâm giải quyết” - bà Khá nói.

Theo Báo Tuổi trẻ