80% bệnh nhân chọn "vượt tuyến" để đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh

26/04/2013 08:37 AM


Hơn 1/2 bệnh nhân mắc các bệnh điều trị được tại tuyến huyện và hơn 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến tỉnh điều trị được đã lên khám chữa tại bệnh viện trung ương. Đặc biệt khoảng 94% bệnh nhân tại bệnh viện Nhi Trung ương có thể được điều trị ngay tại tuyến dưới.


Trong lĩnh vực y tế, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Bản thân bệnh tật có những diễn biến khác nhau, mỗi người bệnh là một bài toán. Muốn giải được bài toán ấy cần người có đủ kiến thức và khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, máy móc và các trang thiết bị, xét nghiệm chỉ là công cụ giúp người thầy thuốc thực hiện điều đó.

Từ câu chuyện của ngành sản khoa

Chia sẻ quan điểm trên, ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết số lượng thầy thuốc quan trọng nhưng chưa đảm bảo cứu sống được người bệnh: "Việc cứu sống người bệnh chỉ có thể thực hiện được nếu trong đội ngũ thầy thuốc đó có những cá nhân bác sỹ đủ trình độ và kinh nghiệm để chẩn đoán, điều trị. Do đó, trong hệ thống y tế, chất lượng nguồn nhân lực chiếm vị trí hàng đầu (tất nhiên phải trên cơ sở là có đủ số lượng)". Vì thế, có thể nói nhân lực y tế là "nút thắt của những nút thắt". Chăm sóc sức khỏe là một thị trường đặc biệt, nó không giống với bất cứ một thị trường nào khác bởi nó liên quan và quyết định trực tiếp tới sinh mạng của con người.

Chưa năm nào mà tai biến sản khoa tăng đột biến như năm 2012. Liên tiếp các ca tử vong mẹ, con hoặc cả mẹ lẫn con gây bức xúc trong dư luận. Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm đã có 88 ca tai biến. Trong số đó chỉ có 28 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lý sẵn có của sản phụ và trẻ sơ sinh. 60 ca tai biến gây tử vong mẹ hoặc con (hoặc cả mẹ lẫn con) là do những tai biến xảy ra trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Ngoài ra, trong số 88 ca tử vong, có 10 ca tử vong tại nhà, 14 ca tử vong trên đường chuyển viện, còn lại 64 ca tử vong tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Ngoài yếu tố khách quan là tâm lý người dân chuộng sinh con năm Rồng, khiến số sản phụ tăng, kéo theo cả tai biến cũng tăng, thì nguyên nhân chính vẫn nằm chủ yếu ở năng lực của các bác sỹ ngành sản, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết nhân lực ngành sản ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt tuyến quận/ huyện. Có cán bộ một bệnh viện quận ở TPHCM học chuyên khoa Nội nhưng phải kiêm trưởng khoa... sản vì không có người. Ngay tại Nghệ An - một địa phương khá vững của miền Trung mà vẫn có tình trạng nhiều bệnh viện huyện cũng chỉ có một bác sỹ sản, bác sỹ nhi thì lại càng "thảm" (tính trung bình chưa có chưa tới một bác sỹ nhi/ bệnh viện). Với thực trạng thiếu hụt và trình độ bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý tuyến dưới nhiều bất cập như vậy, thử hỏi liệu bệnh nhân có thể tin tưởng giao phó sức khỏe, tính mạng của mình cho họ?

Ung thư xương chẩn đoán...viêm khớp

Câu chuyện của mẹ con chị Luyện Thị Tân (40 tuổi, quê ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có lẽ khá điển hình cho đường đi từ bệnh viện huyện lên bệnh viện tuyến Trung ương và nó lý giải rõ ràng vì sao người dân luôn có tâm lý lên tuyến trên khi đi khám chữa bệnh. Từ đầu năm 2011, con gái chị Tân là cháu Đoàn Phương Thảo (9 tuổi) có biểu hiện mỏi tay khi viết. Khi đi khám ở phòng khám tư, cháu được chẩn đoán viêm khớp và điều trị trong thời gian dài nhưng không khỏi. Chuyển sang thuốc nam cũng không đỡ, chị Tân cho con xuống bệnh viện huyện chụp chiếu và cũng nhận được kết quả tương tự. Từ kết quả này, chị lại tiếp tục điều trị viêm khớp cho con. Nhưng tình hình càng ngày càng nặng hơn khi mà tay cháu Thảo đến lúc không thể nhấc lên được. Đến tháng 4/2012 (tức hơn một năm kể từ ngày con có dấu hiệu mỏi tay), dù biết đi viện ở Hà Nội "khổ lắm" nhưng chị Tân vẫn phải vội vã đưa con xuống Hà Nội khám. Kết quả chụp chiếu, khám cho thấy cháu bị ung thư xương, tế bào ung thư đã "ăn đứt" phần ống xương ở cánh tay phải của cháu. Lúc đó, tay cháu đã buông thõng, không còn khả năng cử động. Chị Tân biết bệnh của con chỉ biết khóc và ước gì đồng hồ quay ngược để không tốn thời gian điều trị sai bệnh ở tuyến dưới. Khi lên đến bệnh viện K, cháu đã bị bệnh ở giai đoạn muộn.

Câu chuyện của chị Tân có lẽ là lời giải đáp xác đáng cho việc tại sao người dân thích lên tuyến trên, bởi họ có tâm lý tin tưởng tuyến trên, lo ngại trình độ bác sỹ tuyến dưới không đủ để chẩn đoán chính xác bệnh cũng như đưa ra hướng điều trị đúng. Thực tế này cũng rất trùng khớp với những kết quả mà nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách Y tế (Bộ Y tế) đưa ra vào năm 2009. Theo đó, tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân đẻ thường và mổ đẻ chiếm tới 56%, trong đó riêng đẻ thường chiếm 33%. Tại bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ đẻ thường lên đến 46%. Hơn 1/2 bệnh nhân mắc các bệnh điều trị được tại tuyến huyện và hơn 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến tỉnh điều trị được đã lên khám chữa tại bệnh viện trung ương. Đặc biệt khoảng 94% bệnh nhân tại bệnh viện Nhi Trung ương có thể được điều trị ngay tại tuyến dưới. Nghiên cứu này cũng cho biết người bệnh có xu hướng đến thẳng bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị, kể cả người có và không có điều kiện kinh tế. 73,7% bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai đến thẳng bệnh viện mà chưa từng đi đâu để khám chữa bệnh. Tỷ lệ này ở bệnh viện Phụ sản Trung ương và Từ Dũ thậm chí còn cao hơn, lên đến 89% và 97%. Có đến 80% số bệnh nhân được hỏi cho biết lý do lựa chọn bệnh viện tuyến trên là do tin tưởng vào trình độ chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Chất lượng nhân lực y tế: Báo động đỏ

Khoan nói đến các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa, nhiều địa phương là "đầu tàu" chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước nhưng chất lượng nguồn nhân lực y tế nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực khác nói chung đang rất có "vấn đề". Có thể lấy ngay Thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình. Là trung tâm chính trị - kinh tế- văn hóa - xã hội của cả nước với 6,6 triệu dân (chưa kể những đối tượng tạm trú, vãng lai, du khách, vv ...), yêu cầu về công tác khám chữa bệnh, dự phòng rất nặng nề nhưng chất lượng nguồn nhân lực y tế hiện tại của Hà Nội rất đáng báo động. Trong số hơn 13.000 cán bộ y tế của Hà Nội thì có đến gần 60% cán bộ có trình độ trung cấp. Cán bộ y tế thành phố chỉ có 10% cán bộ (1.312 người) có trình độ sau ĐH; 17,2% trình độ ĐH; 1,4% trình độ CĐ, trình độ sơ cấp có 2,3% và trình độ khác đạt 10,5%.

Xa hơn, trên phạm vi cả nước, ông Vũ Xuân Phú cho biết những tính toán, thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy số cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm đến 2/3 tổng số cán bộ. Số cán bộ trình độ đại học chỉ chiếm 1/4 và chỉ có khoảng 2% cán bộ có trình độ thạc sĩ, trên 0,5 trình độ Tiến sĩ. Ngay trong cuối tháng 3 vừa qua, chuyến công tác của cán bộ Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã thu được kết quả khá "u ám". Cả trung tâm chăm sóc sức khỏe tỉnh Gia Lai chỉ có 5 bác sỹ, toàn bác sỹ đa khoa, không có bác sỹ chuyên khoa. Các bác sỹ được đào tạo chính quy bài bản thì không ai quay về quê hương, còn lại các bác sỹ đang hoạt động trên địa bàn đều tốt nghiệp các lớp chuyên tu, tại chức, khiến việc đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Xâu chuỗi những con số này, có thể thấy người ta không ngạc nhiên khi năm 2003, Bộ Y tế đưa ra một kết quả nghiên cứu cho thấy: Các bệnh viện tuyến tỉnh có tỷ lệ chẩn đoán không chính xác bệnh cho người bệnh còn rất cao, 75% từ tuyến huyện chuyển lên và 59% từ tuyến tỉnh chuyển lên.

Theo VNN