Vì sao cử nhân thất nghiệp ngày một nhiều?

23/04/2013 07:28 AM


Một số chuyên ngành cần nhân lực, như: y, dược, y tế công cộng, kỹ thuật viên trung cấp, CĐ, ĐH thực hiện các công tác xét nghiệm y tế, hộ sinh đại học; rồi ngành kiến trúc, xây dựng dân dụng, giao thông… nhưng không có hoặc có rất ít nguồn tuyển dụng. Trong khi đó, các chuyên ngành ngoại ngữ, kinh tế, KHXH nhu cầu tuyển dụng đã đủ, nhưng nguồn tuyển dụng khá phong phú.


Sinh viên cần được tư vấn nghề nghiệp chính xác nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Báo CAND vừa qua có một số bài báo phản ánh về tình trạng người lao động thất nghiệp đang ở mức báo động, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Ngay sau khi vấn đề trên được phản ánh tới công luận, Báo CAND đã nhận được thêm nhiều thông tin từ một số địa phương và trường đại học cho thấy, có những nơi không đơn thuần chỉ là lao động phổ thông “ngồi chơi xơi nước” mà sinh viên (SV) thất nghiệp lên tới hàng chục ngàn em; có những trường đại học khảo sát sinh viên thì chỉ có khoảng 50% có việc làm, gây tâm lý xã hội không tốt và lãng phí vô cùng lớn. Một “hậu quả kép” từ những lỗ hổng lớn trong đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực. Giải pháp chiến lược nào sẽ giúp giải quyết tận gốc thực trạng trên? Đáp ứng yêu cầu bạn đọc, Báo CAND xin trở lại vấn đề này.

Vì sao Thanh Hóa có tới 25.000 sinh viên thất nghiệp?

Nhìn con số trên bất kể ai cũng phải giật mình khi Thanh Hóa đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tình trạng SV thất nghiệp. Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013, toàn tỉnh Thanh Hóa có 24.956 SV đã tốt nghiệp, nhưng chưa có việc làm, trong đó trình độ trên ĐH có 45 học viên, ĐH có 5.674 SV, CĐ có 6.845 SV, TCCN có 6.003 SV, còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề. Các ngành có số SV thất nghiệp nhiều nhất là ngành Sư phạm với 3.762 SV, tiếp đó là ngành Công nghệ Thông tin với 3.650 SV, cho đến các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm - ngư nghiệp…

Nếu chia theo khu vực địa lý thì huyện Hoằng Hóa có tới 2.815 SV (trong đó ĐH: 456 SV, CĐ: 721 SV, TCCN: 600 SV còn lại CĐ nghề và TC nghề); Hậu Lộc có 2.108 (ĐH: 541, CĐ: 694, TCCN: 344, số còn lại thuộc CĐ nghề, TC nghề). Các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Sơn, mỗi huyện đều có trên một nghìn SV thất nghiệp. Gần 2,5 vạn SV ra trường chưa có việc làm trong khi hiện tại số SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN tính đến tháng 6/2012 là 44.023 SV, trong đó ĐH chính quy: 19.205; liên thông: 4.020; ĐH, CĐ vừa làm, vừa học: 6.617; TCCN chính quy: 14.050; vừa làm vừa học: 1.988… Một vài năm nữa, số SV này sẽ tốt nghiệp ra trường, chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực việc làm cho “xứ Thanh”.

Vì sao lại có tình trạng buồn trên? Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản hàng loạt trong khi bộ máy cán bộ công chức đã ổn định, khiến đầu ra của sinh viên gần như “bế tắc”. Thêm nữa, do việc đào tạo SV bây giờ quá tràn lan, khoảng 20 năm trở lại đây có hàng trăm trường ĐH, CĐ, TCCN từ chính quy cho đến tư thục được mở ra.

Việc xác định chỉ tiêu lại do các trường tự quyết định, chỉ dựa trên tiêu chí diện tích và số lượng giảng viên do Bộ GD&ĐT quy định, trong khi Bộ lại “hậu kiểm” khâu tự xác định chỉ tiêu rất lỏng lẻo, các trường đua nhau đăng ký tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sinh tràn lan, ồ ạt. Quá nhiều loại hình đào tạo, trong đó có cả loại đào tạo vừa học vừa làm, khiến quy mô đào tạo ngày càng phình to ra, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng ngày càng ít. Ông Nguyễn Văn Long còn cảnh báo, hiện nhiều ngành nghề đào tạo ra không phù hợp với xã hội, khiến không ít SV tốt nghiệp loại giỏi vẫn thất nghiệp.

Cũng theo một báo cáo mới nhất, ngày 9/4/2013 của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, thì ở tỉnh này còn đang tồn tại một thực trạng thừa thiếu giáo viên cũng ở mức báo động. Trong khi bậc học mầm non, giáo viên thiếu tới 2.893 người, nguyên nhân được cho là do các trường mầm non mới chuyển đổi từ bán công sang công lập, nên đối tượng được tuyển dụng số lượng còn ít so với nhu cầu. Số giáo viên còn thiếu đã được UBND cấp huyện, xã hợp đồng lao động, để đáp ứng việc giảng dạy của các nhà trường, việc tuyển dụng mới phải chờ giao chỉ tiêu biên chế năm học tiếp theo. Ở bậc tiểu học, số lượng giáo viên hiện có mới chỉ đáp ứng được tỷ lệ 1,25 GV/lớp. Nếu để đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày, số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu 1.390. Bậc THCS, tổng số giáo viên thừa so với định mức là 1.397 người, do mấy năm qua số lượng HS THCS giảm nhanh và giảm nhiều.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Hằng cho rằng, dự báo nguồn nhân lực đã được đào tạo để giảng dạy ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT nhưng chưa được tuyển dụng cơ bản, có thể đáp ứng nhu cầu thực tế cho vài năm tới. Số lượng giáo sinh tốt nghiệp ĐH chưa tuyển dụng (có thể bố trí dạy THCS hoặc THPT) còn dư nhiều so với nhu cầu cần tuyển dụng trong những năm tiếp theo.

Nơi cần thì nguồn lại không có

Không chỉ Thanh Hóa, vấn đề dôi dư nguồn nhân lực có trình độ cử nhân đang “đe dọa” nhiều tỉnh, thành. Nói về nhu cầu tuyển dụng nhân lực của địa phương mình, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, từ năm 2008 đến nay tỉnh đã tuyển dụng được 2.183 công chức, viên chức. Tuy nhiên, số công chức, viên chức được tuyển dụng chỉ bằng 1/3 so với nguồn nhân lực đã qua đào tạo tại tỉnh. Có nhiều lý do dẫn đến nguồn cung nhân lực lớn hơn cầu nhân lực.

Trong những năm 2008 - 2010, nguồn nhân lực có trình độ trung cấp rất lớn, trong khi vị trí cần tuyển lại yêu cầu trình độ từ CĐ, ĐH trở lên; bên cạnh đó, nguồn nhân lực về văn hóa, xã hội và lĩnh vực về khoa học, kỹ thuật, kinh tế không đều. Các trường ĐH, CĐ và TCCN chỉ chú trọng đào tạo về số lượng sinh viên, số lượng lớp học, mà ít quan tâm tới chất lượng đào tạo và nhu cầu của xã hội. Những lý do đó đã làm cho chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nơi tuyển dụng, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.

Tỉnh Ninh Bình mặc dù có đội ngũ công chức, viên chức các cấp cơ bản đã đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, chuyên ngành đào tạo, nhưng ông Phạm Ngọc Thỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Ninh Bình thì cho rằng, quá trình tuyển dụng còn một số bất cập giữa chuyên ngành đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Một số chuyên ngành cần nhân lực, như: bác sỹ, dược sỹ, cử nhân y tế công cộng, kỹ thuật viên trung cấp, CĐ, ĐH thực hiện các công tác xét nghiệm y tế, hộ sinh đại học; rồi ngành kiến trúc, xây dựng dân dụng, giao thông… nhưng không có hoặc có rất ít nguồn tuyển dụng. Trong khi đó, các chuyên ngành ngoại ngữ, kinh tế, khoa học xã hội nhu cầu tuyển dụng đã đủ, nhưng nguồn tuyển dụng khá phong phú. Đó cũng chính là nghịch lý trong đào tạo và sử dụng, khiến những nhà hoạch định chính sách giáo dục không thể không suy ngẫm.

Chia sẻ với PV Báo CAND về 25.000 SV thất nghiệp, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phân tích, một năm Thanh Hóa có khoảng 23.000 sinh viên thi đỗ ĐH, CĐ, nhưng chỉ có 30% SV học tại địa phương. Con số 25.000 là do tình trạng SV thất nghiệp nhiều năm dồn cộng vào. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư và Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát kỹ, xác định rõ số lượng người lao động qua đào tạo ở hệ nào, học ở trường nào, hiện có mặt ở Thanh Hóa là bao nhiêu em, căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng phương án bố trí việc làm cho số SV của tỉnh đã tốt nghiệp trình độ từ trung cấp trở lên, nhưng chưa có việc làm. Tuy nhiên, ông Vương Văn Việt thẳng thắn chỉ ra khiếm khuyết trong đào tạo và sử dụng, lâu nay chỉ nghĩ đến một vế là hành chính - sự nghiệp, trong khi nhân lực cần cho cả nền kinh tế và nhu cầu của các hệ thống doanh nghiệp, thì ắt dẫn đến bội thực nguồn cung là điều đương nhiên…

Theo Báo CAND