Giải trình một số nội dung về chuyển tuyến khám, chữa bệnh và quản lý Quỹ BHYT
23/04/2013 03:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 17/4/2013, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về một số nội dung liên quan đến công tác chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT và quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các đồng chí thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội là thành viên Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT, đại diện các bộ, ngành chức năng, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tại phiên họp nêu rõ, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại y tế tuyến xã chiếm khoảng 20%, tuyến huyện 60%, tuyến tỉnh và Trung ương 20%. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên vẫn không được khắc phục và có xu hướng gia tăng do lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không giảm. Theo số liệu thống kê, nếu năm 2010, cả nước có trên 03 triệu lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh trái tuyến thì năm 2011 con số này là trên 9,5 triệu người và tăng lên trên 11,5 triệu người vào năm 2012. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến, quy định thanh toán 30, 50, 70% khi khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến tại khoản 3, Điều 07, Nghị định số 62/2009/NĐ-CP là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Đồng chí Bộ trưởng BộY tế nhận định, có tới 60% bệnh nhân chuyển lên tuyến trên trong khi bệnh không thực sự nặng và hoàn toàn có thể xử lý ở tuyến dưới. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiếu và chất lượng chuyên môn yếu của y tế tuyến dưới cũng làm mất niềm tin của người bệnh, dẫn tới tình trạng chuyển tuyến, vượt tuyến ngày càng gia tăng. Bộ Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra tình trạng phân bổ thẻ BHYT tại mỗi cơ sở chưa thực sự phù hợp, có nơi quá đông bệnh nhân, có nơi quá ít hoặc tập trung nhóm đối tượng có tần xuất sử dụng thẻ nhiều (người hưu trí, người cao tuổi, đối tượng tự nguyện),… là do một số Sở Y tế chưa phối hợp tốt với cơ quan BHXH tại địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện, nguyên nhân chủ yếu là do tại Sở Y tế chưa có bộ phận chuyên trách theo dõi công tác BHYT, giúp việc cho Giám đốc Sở và UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về BHYT.
Giải trình về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, trong 03 năm thực hiện Luật BHYT (2010-2012), cùng với tiến trình cải cách tiền lương và tăng tỷ lệ đóng BHYT từ 3% lên 4,5%, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nguồn thu BHYT cũng có sự tăng trưởng khá với con số trên 25 ngàn tỷ vào năm 2010; năm 2011 là trên 29.000 tỷ và trên 39 ngàn tỷ vào năm 2012. Quỹ BHYT đã bảo đảm cân đối, hoàn trả được khoản vay từ quỹ hưu trí để thanh toán phần chi vượt quỹ trong giai đoạn 2005-2009 và bước đầu có dự phòng. Tuy nhiên, từ các số liệu của BHXH Việt Nam báo cáo, có thể thấy tỷ lệ bao phủ và sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT không đồng đều giữa các địa phương và các vùng miền. hai địa bàn có tỷ lệ bao phủ BHYT cao lại có tỷ lệ sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT thấp là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ bao phủ thấp nhất trong cả nước (56%) thì tỷ lệ sử dụng quỹ cao nhất và bội chi (109%). Một điều đáng chú ý là trong khi hầu hết các địa phương cân đối được quỹ từ khi thực hiện Luật BHYT thì một số địa phương liên tiếp bội chi. Năm 2010 cả nước có 14 tỉnh bội chi quỹ KCB; năm 2011: 10 tỉnh bội chi và năm 2012 ước có 11 tỉnh nằm trong danh sách này. Một số địa phương ở khu vực Đồng bằng song Cửu Long liên tiếp 03năm bội chi. Tình hình sử dụng quỹ theo nhóm đối tượng cũng có sự khác biệt. Nhóm người lao động có số thu khoảng 28% tổng quỹ nhưng số chi chỉ chiếm khoảng 15% tổng chi, ngược lại với nhóm đối tượng hưu trí và bảo trợ xã hội, riêng nhóm tự nguyện nhân dân có số thu thấp nhất nhưng sử dụng khoảng 22,5% tổng chi…
Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu Quốc hội về các vấn đề nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đặc biệt là y tế tuyến xã nhằm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh BHYT; giải pháp giảm tải tuyến trên; giảm bớt thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT… đại diện Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẳng định, hai Ngành đang tích cực phối hợp thực hiện các nhóm giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh BHYT. Tiếp tục tham mưu với Quốc hội và Chính phủ xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT. Tăng tỷ lệ tham gia BHYT để tăng nguồn thu cho Quỹ. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở, thực hiện tốt các đề án Bệnh viện vệ tinh. Đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành quy định về quy trình khám, chữa bệnh và quy định chuyển tuyến…
Kết luận phiên họp, biểu dương những nỗ lực, cố gắng mà hai Ngành Y tế và BHXH đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ trăn trở: đến nay vẫn còn tới 50% người lao động chưa có BHYT, khi đi khám chữa bệnh phải bỏ tiền túi tức là mục tiêu An sinh xã hội còn chưa đạt được. Tình trạng bội chi thành “truyền thống” tại một số địa phương cho thấy vai trò của cấp ủy, chính quyền trong quản lý nhà nước về BHYT còn lơ là. Với những nơi tần xuất khám, chữa bệnh rất cao cần đặt câu hỏi có lạm dụng hay không?! Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được phân tích, làm rõ, tồn tại nào là do cơ chế, chính sách để có hướng sửa đổi, bổ sung, làm thế nào để sử dụng quỹ hiệu quả, công bằng và người dân được tiếp cận chính sách tốt nhất./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT