Khó đạt mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

23/04/2013 02:38 AM


Năm 2013, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù đã giảm 5.000 người so với năm 2012 nhưng mục tiêu này không dễ đạt được.


Đi xuất khẩu lao động đang là mục tiêu được nhiều bạn trẻ hướng đến. Ảnh: Chí Cường

Để đạt được chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2013, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có nhiều giải pháp: Tăng số lượng lao động tại các thị trường truyền thống như Lybia, Malaysia, Đài Loan, Trung Đông… và tìm kiếm thêm các thị trường mới. Ngay trong quý I năm 2013, Cục đã tiến hành đưa lao động trở lại thị trường Lybia và có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích lao động sang Malaysia và khu vực Trung Đông gồm Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Qatar, Kuwait. Đặc biệt, Cục triển khai chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản và Đức; đa dạng hóa hình thức đi làm việc ở nước ngoài như thỏa thuận về chương trình lao động kỳ nghỉ với New Zealand, Australia …

Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm, cả nước mới có 18.766 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 22%. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, do khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế, ngoài ra một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập.

Thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, từ năm 2004 đến nay, có trên 70.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép mới (EPS). Tuy nhiên, hiện có tới 17.000 người hết hạn hợp đồng đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Do vậy, Việt Nam đánh mất vị trí là nước được tiếp nhận nhiều lao động nhất (năm 2011, đưa 12.500 lao động sang Hàn Quốc; năm 2012: 6.400 lao động; năm 2013, chắc chắn giảm mạnh hơn). Được biết, thu nhập bình quân của lao động tại Hàn Quốc dao động từ 1.000 đến 1.500 USD/người/tháng, gấp nhiều lần so với công việc tương đương tại Việt Nam. Trong khi thị trường Hàn Quốc chưa được khơi thông, thị trường Nhật Bản lại đang là "cánh cửa hẹp" khi ba tháng đầu năm 2013, nước này chỉ tiếp nhận 236 người. Trong khi Nhật Bản đang tiếp nhận nhỏ giọt thì lại rộ lên thông tin thị trường này "cấm cửa" lao động người Nghệ An.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: "Bộ LĐ,TB&XH đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 là phải đạt mục tiêu mỗi năm đưa 100.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Điều này sẽ rất khó thực hiện". Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, từ năm 2012, Bộ LĐ,TB&XH đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại những tỉnh có số lượng lớn lao động bỏ trốn bất hợp pháp nhằm tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn. Tuy nhiên, tính đến tháng 1-2013, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc vẫn không có dấu hiệu giảm. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về pháp luật rất cần nâng cao chất lượng về lao động. Hiện các nước đã có nhiều thay đổi chính sách: Hạn chế tuyển chọn lao động phổ thông, quan tâm nhiều đến lao động có tay nghề cao. Các nước nhập khẩu lao động cũng đã thay đổi bằng cách khuyến khích NLĐ có nghề đến sinh sống và làm việc, đặc biệt qua chính sách về nhập cư.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bắt đầu tuyển chọn lao động có tay nghề cao. Để làm được điều này cần sự liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, nhưng thực tế, chỉ có rất ít doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề, do vậy buộc phải tuyển lao động ở bên ngoài và không thể chủ động trong cung ứng. Thêm vào đó, một số ngành nghề không thể tuyển chọn được lao động do không có cơ sở dạy nghề nào tổ chức đào tạo.

Theo Báo Hà Nội mới