Nhiều bệnh viện có nguy cơ hết thuốc

15/04/2013 09:55 AM


Từ cuối tháng 3, nhiều bệnh viện đã "sốt vó" vì lo... cháy thuốc điều trị. Hợp đồng cung ứng thuốc với các công ty Dược đã hết hiệu lực nhưng họ không dám lên kế hoạch đấu thầu cho năm 2013.


Thông tư 01 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc đã có hiệu lực từ tháng 6/2012 nhưng danh mục thuốc như biệt dược, tương đương sinh học... kèm theo lại công bố còn thiếu. Do vậy, bệnh viện chẳng biết căn cứ vào đâu lập kế hoạch đấu thầu.

Bệnh viện không dám lên kế hoạch đấu thầu

Qua tìm hiểu tại một số BV như Từ Dũ, Nhân dân Gia Định, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân 115, Nhi Đồng 1, 2..., được biết từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2013 sẽ lên phương án đấu thầu thuốc cho cả năm. Nhưng đã qua tháng 4, nhiều BV vẫn chưa biết làm thế nào để tìm nguồn thuốc khi danh mục theo Thông tư 01 lại ban hành chưa đầy đủ. Trữ thuốc thì BV không dám vì không có kho bãi để chứa hàng, chi phí bảo quản lại cao. Nhiều BV chuyên khoa cần nhiều thuốc biệt dược cũng phải chờ. Bởi không biết thuốc của họ cần có nằm trong danh mục được ban hành khi công bố tới đây không. Nhiều BV lên phương án mượn thuốc từ các công ty Dược để chữa cháy và nếu trúng thầu sẽ trừ sau. Nhưng chính các công ty cũng không dám cho mượn, bởi cho mượn thuốc rồi nhưng đến khi đấu thầu lỡ không trúng thầu thì BV lấy đâu mà hoàn trả thuốc đã mượn.

Chính vì thực tế này, từ loại thuốc rẻ tiền cho đến các loại thuốc đắt tiền đều đang dần cạn ở các BV. Ví dụ như thuốc Levothyrox Tab 50mcg 28 (Levothyroxine sodium 50mg) dùng điều trị hormon tuyến giáp với giá 789đ/viên; thuốc Acabrose 50mg, dạng viên dùng trong điều trị bệnh lý nội tiết tố, giá 2.000đ/viên; thuốc bổ sung canxi dạng ống - Gluconate de calcium Proamp 10% (Calcium gluconat) có giá 12.600đ/ống... Tại nhiều BV, thuốc Levothyrox Tab 50mcg 28 có khi mỗi tháng có thể sử dụng từ 3.000 - 5.000 viên, nhiều BV đành chịu vì không biết lấy nguồn ở đâu điều trị cho bệnh nhân. Thậm chí, có rất nhiều loại thuốc không thể thay thế được mà BV cũng không lấy đâu ra như thuốc Kidmin dạng chai có giá là 105.000đ, dùng cho bệnh nhân suy thận; thuốc Flixotide Evo (N12) Spr 125mcg 120 Dose (chứa hoạt chất Fluticasone propionate 125mcg) dạng lọ dùng xịt họng cho bệnh nhân hen suyễn hay thuốc hướng tâm thần như Midazolam 5mg/ml.

Đã trình UBND phương án gia hạn thầu

Với nhiều thuốc đặc trị, để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, các BS đã tính đến phương án đổi phác đồ điều trị, mượn thuốc từ những nơi khác, sử dụng thuốc thay thế. Thậm chí bệnh nhân nội trú cũng được kê đơn cho tự đi ra ngoài thị trường mua. Nhiều BV chỉ còn cầm cự bằng lượng thuốc dự phòng. Không phủ nhận việc Thông tư 01 ra đời sẽ giúp hạn chế sự loạn giá thuốc đấu thầu ở các BV vốn đã bất cập tồn tại từ nhiều năm nay. Theo thông tư này, giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu 1 năm/lần, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu 1 mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó, thay vì 7 - 10 thuốc cùng trúng thầu như trước đây.

Thuốc sẽ được phân chia nhóm dựa trên mặt bằng tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ để lựa chọn mặt hàng đáp ứng các điều kiện với giá dự thầu thấp nhất vào BV. Tuy nhiên, văn bản này có hiệu lực từ tháng 6/2012 và như vậy từ năm 2013, việc đấu thầu sẽ dựa theo sự hướng dẫn của Thông tư 01 này. Thế nhưng gần 1 năm trôi qua, đến nay các danh mục do Bộ Y tế công bố kèm Thông tư 01 vẫn chưa được ban hành đầy đủ. Nhiều dược sĩ tại các BV tỏ ra bức xúc: Tại sao khi ban hành thông tư không công bố luôn danh mục thuốc kèm theo mà phải cập nhật từ từ. Nếu không cung cấp giấy gia hạn thầu mà chờ đến tháng 6 mới đấu thầu, chắc chắn các BV sẽ hết thuốc điều trị trong khi hợp đồng thầu mua thuốc năm 2012 đã hết hiệu lực. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - PGĐ Sở Y tế TPHCM, để tránh tình trạng thiếu thuốc, Sở đã trình UBND xin phép kéo dài giá trị hợp đồng năm 2012 đến tháng 6/2013, tức căn cứ vào giá thầu năm 2012 để mua thuốc. Sau đó, sẽ tiến hành đấu thầu trở lại.

Các BV ở Hà Nội vẫn đủ thuốc cho người bệnh

Theo thông tin từ một số BV tuyến T.Ư và TP ở Hà Nội, hiện các BV đều có đủ thuốc cung ứng cho người bệnh. Hầu hết các BV trên thực hiện đấu thầu thuốc năm 2012 trước thời điểm tháng 6/2012 nên đến tháng 6 - 7/2013 mới thực hiện đấu thầu thuốc cho năm 2013. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Quản lý thuốc, Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam, cho biết hiện tại, BHXH Việt Nam đã đưa ra mức giá phổ biến, giá trúng thầu thuốc lên mạng của 5 hoạt chất phổ biến, tương đương với hàng trăm tên thuốc. Đây là cơ sở tương đối để các BV xét giá thuốc trúng thầu và BHXH địa phương tiến hành chi trả thuốc BHYT. Trong năm 2013, sẽ có thêm giá hơn 10 hoạt chất khác được công bố. Như vậy, BHXH Việt Nam sẽ công bố giá khoảng 20 hoạt chất, tương đương với hàng nghìn tên thuốc - đều là những loại thuốc sử dụng phổ biến ở các BV. Được biết, trên thị trường thuốc VN hiện lưu hành khoảng hơn 900 hoạt chất, tương đương 22.000 tên thuốc, nếu không có hướng dẫn rõ ràng thì giá thuốc sẽ rất khó quản lý.

Cục Quản lý Dược yêu cầu khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các cở sở khám, chữa bệnh khẩn trương tổ chức đấu thầu mua thuốc năm 2013 trước khi hợp đồng cung ứng thuốc năm 2012 hết hiệu lực để tránh nguy cơ thiếu thuốc cho nhu cầu khám, điều trị bệnh theo quy định mới tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012, Thông tư số 11/2012/TT-BYT ngày 28/06/2012. Sở Y tế TPHCM cần chủ động giám sát, đề xuất với UBND TPHCM các giải pháp liên quan đến đấu thầu thuốc để đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.

Về việc triển khai Thông tư 01/2012/TTLT-BYT hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế và Thông tư số 11/2012/TT-BYT hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược trên 300 thuốc biệt dược gốc và gần 200 thuốc có tài liệu chứng minh tương đương sinh học. Trên cơ sở các danh mục đó, các đơn vị xây dựng danh mục thuốc biệt dược gốc và danh mục thuốc có tài liệu chứng minh tương đương sinh học sử dụng tại đơn vị. Đến nay, nhiều Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tổ chức đấu thầu, cung ứng thuốc cho người bệnh theo quy định mới mà không có vướng mắc gì.

Theo NLĐO